Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các phong trào, hội thi khoa học - công nghệ (KH-CN) trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các phong trào, hội thi vẫn tiếp tục đạt được hiệu quả cao. Đó cũng là thành công của quá trình phát động phong trào Toàn dân tiến quân vào khoa học.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các phong trào, hội thi khoa học - công nghệ (KH-CN) trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các phong trào, hội thi vẫn tiếp tục đạt được hiệu quả cao. Đó cũng là thành công của quá trình phát động phong trào Toàn dân tiến quân vào khoa học.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh trao thưởng cho các tác giả đoạt giải Chương trình 6. Ảnh: H.Yến |
* Sức hút của những phong trào, hội thi
Cô Tăng Thị Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Hóa An (TP.Biên Hòa) bắt đầu tham gia Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất (Chương trình 6) từ năm 2013. Từ đó đến nay, liên tục 7 năm liền cô đều có sản phẩm dự thi và đoạt giải, trong đó có 5 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích.
Lý giải nguyên nhân đều đặn tham gia Chương trình 6, cô Lan cho biết: “Mỗi lần tham gia là mỗi lần tôi và các đồng nghiệp tìm tòi một giải pháp mới, mô hình mới để áp dụng cho quá trình dạy học ở trường. Bảy lần dự thi là 7 lần tôi thay đổi đề tài để không bị trùng lặp về ý tưởng. Những đồ dùng, đồ chơi sau khi tham gia chương trình đều được dùng để dạy học cho trẻ và các con rất thích. Cá nhân tôi rất vui vì những sản phẩm của mình đều được áp dụng trong thực tế”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật KH-CN luôn đòi hỏi sự sáng tạo, là động lực cho mọi sự phát triển. Muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải có khoa học và sáng tạo. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẵn có vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống là một trong những yêu cầu cần phải được đặc biệt coi trọng. Đồng thời, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đều khắp. Sở KH-CN cần tiếp tục phát huy vai trò và những kết quả đạt được. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến để thúc đẩy các phong trào, hội thi ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả, phục vụ thiết thực cho đời sống và phát triển kinh tế, xây dựng của tỉnh nhà. |
Cô Lan cũng cho rằng, quy mô của chương trình ngày càng lớn hơn. Các thí sinh dự thi đều có sự đầu tư để sản phẩm dự thi ngày càng đa dạng, phong phú. Bản thân cô nhận thấy tiêu chí chấm thi của Ban giảm khảo năm sau lại cao hơn năm trước. Vì thế, cô cùng các đồng nghiệp mỗi năm càng cố gắng, phấn đấu nhiều hơn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Bích, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Tấn Phát (xã Phú Xuân, H.Tân Phú) cũng đã có nhiều lần dự thi Chương trình 6. Cô Bích cho biết, việc dự thi Chương trình 6 rất hữu ích cho cá nhân cô và các đồng nghiệp.
“Nhờ tham gia thi, tôi được giao lưu, học hỏi với nhiều đồng nghiệp, thấy rằng các đồng nghiệp có nhiều sáng tạo rất hữu ích. Quá trình dự thi, tôi cũng học hỏi được nhiều ý tưởng của các thí sinh khác, từ đó tìm hiểu, phát triển thêm để tăng tính kỹ thuật, khoa học cho sản phẩm và cố gắng sao cho sản phẩm có thể ứng dụng được cho nhiều môn học” - cô Bích chia sẻ.
Trong số các phong trào, hội thi do Sở KH-CN chủ trì, hội thi Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai thu hút được đông đảo thí sinh dự thi nhất. Năm nay, chủ đề của hội thi được đánh giá là khó bởi các câu hỏi gắn liền với nội dung về đại hội Đảng. Tuy vậy, hội thi vẫn thu hút được hơn 38,6 ngàn bài dự thi (tăng hơn 3 ngàn bài so với năm ngoái). Đặc biệt, số thí sinh trẻ dự thi cũng tăng cao hơn mọi năm.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban giám khảo hội thi cho rằng, hội thi đã có đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp, giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Từ chủ đề của hội thi, các thí sinh đã đi đến từng di tích, từng địa chỉ gắn với nội dung đề thi để tìm hiểu. “Có thể nói, chính hội thi đã thôi thúc và là điều kiện để các thí sinh đi đến trực tiếp các di tích. Từ đó, hình ảnh của di tích lịch sử, văn hóa đi vào trong đầu, đi vào trong tim các thí sinh - những công dân của Đồng Nai. Đó là thắng lợi của hội thi” - ông Tới cho hay.
Đây là năm đầu tiên tổ chức Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hội thi đã thu hút 18 giải pháp dự thi. Điều đặc biệt là tất cả các giải pháp này đều đủ điều kiện được Ban tổ chức đưa vào danh sách gửi chấm điểm. Hội đồng ban giám khảo đã đến từng cơ sở để xem xét và đánh giá trực tiếp những giải pháp của nông dân. Các giải pháp đang được áp dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả cao, nâng cao năng lực sản xuất và mang lại lợi ích cho chính người nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất có liên quan.
Với hàm lượng khoa học cao, khả năng ứng dụng thực tế tốt, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao thưởng cho 14 giải pháp. Trong đó, 2 giải nhất thuộc về các tác giả: Trương Thanh Khoan (ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, H.Tân Phú) với giải pháp Chế tạo thiết bị chưng cất tinh dầu trầm hương; Nguyễn Trường Đại (ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) với giải pháp Công nghệ nuôi tôm thân thiện với môi trường.
* Thành công của phong trào Toàn dân tiến quân vào khoa học
Nhiều năm đến tham dự Ngày hội KH-CN tỉnh Đồng Nai, TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN đánh giá rất cao mô hình tổ chức các phong trào, hội thi của Đồng Nai. Ông Đà cho biết: “Theo dõi liên tục trong nhiều năm qua, tôi thấy các phong trào, hội thi của Đồng Nai ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo của quốc gia, Đồng Nai đã đạt được nhiều giải cao. Điều này không phải là hiện tượng đột biến mà thể hiện quá trình thực hiện các phong trào, hội thi nói riêng và hoạt động đổi mới sáng tạo của Đồng Nai đã đúng hướng”.
Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN và bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện cùng ông Trương Thanh Khoan, nông dân đoạt giải nhất hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2020 |
Cũng theo ông Đà, trong sự thành công này, ngành KH-CN có vai trò kết nối, khởi động. Muốn đưa KH-CN vào cuộc sống thì phải huy động mọi lực lượng tham gia. Vì vậy, để cho KH-CN thực sự đi vào cuộc sống thì phải có sự tham gia của từng cá nhân, từng tổ chức trong xã hội.
Tổng kết về các phong trào, hội thi năm nay, ông Huỳnh Minh Hậu, Phó giám đốc Sở KH-CN cho biết, các phong trào, hội thi về lĩnh vực KH-CN được tỉnh Đồng Nai triển khai từ những năm 2000. Đây là một sân chơi quen thuộc của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cũng là môi trường để người dân tham gia tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực KH-CN trong cuộc sống.
“Các phong trào, hội thi của Đồng Nai còn là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện phong trào Toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học kỹ thuật. Phong trào này ngày càng phát triển đa dạng và sâu rộng hơn. Số lượng, chất lượng tham dự từng hội thi đã có bước phát triển ổn định, vững chắc và đã thực sự trở thành môi trường cống hiến trí tuệ bổ ích đối với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh” - ông Hậu nói.
Nhận xét về các phong trào, hội thi do Sở KH-CN chủ trì, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, mặc dù trải qua những khó khăn nhất định song hoạt động KH-CN luôn thể hiện vai trò quan trọng và có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về tri thức giữa nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Hải Yến