Báo Đồng Nai điện tử
En

Những 'bóng hồng' trong bệnh viện điều trị Covid-19

09:08, 13/08/2020

Thực hiện nhiệm vụ điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19 và dọn dẹp, phục vụ trong Bệnh viện Phổi Đồng Nai, các nữ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý phải tạm xa gia đình ít nhất 1 tháng.

Thực hiện nhiệm vụ điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19 và dọn dẹp, phục vụ trong Bệnh viện Phổi Đồng Nai, các nữ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý phải tạm xa gia đình ít nhất 1 tháng.

Điều dưỡng Lê Thị Thúy ghi chép hồ sơ bệnh án sau khi đo thân nhiệt, huyết áp cho bệnh nhân trong khu cách ly. Ảnh: H.Dung
Điều dưỡng Lê Thị Thúy ghi chép hồ sơ bệnh án sau khi đo thân nhiệt, huyết áp cho bệnh nhân trong khu cách ly. Ảnh: H.Dung

Dù nhớ nhà, nhớ chồng, con nhưng khi được hỏi, các “bóng hồng” trong bệnh viện chia sẻ, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì hạnh phúc chung cho tất cả mọi người.

* Luôn trong tư thế sẵn sàng

BS Nguyễn Thị Phương Lan, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, từ ngày 8-4, bệnh viện được chuyển đổi công năng từ bệnh viện chuyên điều trị bệnh lao, phổi sang bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Ban đầu, các cán bộ, bác sĩ, nhân viên, điều dưỡng có phần lo lắng nhưng khi hiểu rõ về những nguy cơ, cơ chế lây lan và cách phòng, chống dịch bệnh, mọi người đều an tâm và không ngại ngần khi được giao nhiệm vụ.

Đến nay, có tổng cộng 12 bác sĩ, 25 điều dưỡng và 6 hộ lý đang trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc 2 bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện (bệnh nhân số 595 và bệnh nhân 669), trong đó phần lớn là nữ.

“Đa số các nữ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều còn trẻ tuổi, một số người có con nhỏ. Việc thiếu vắng bóng người phụ nữ trong gia đình trong khoảng thời gian dài có gây một số xáo trộn cho gia đình các chị em nhưng ai cũng cố gắng sắp xếp việc nhà để an tâm công tác” - BS Lan cho hay.

Còn BS Đỗ Thị Liên Hương chia sẻ, từ ngày bệnh nhân số 595 được xác định nhiễm bệnh, chuyển vào bệnh viện và sau đó là bệnh nhân số 669, chị được Ban giám đốc bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, thăm khám và điều trị cho 2 bệnh nhân. Hằng ngày, chị đến phòng bệnh thăm khám, kiểm tra sức khỏe và báo cáo với lãnh đạo diễn biến sức khỏe của 2 bệnh nhân. Cách đây vài ngày, bệnh nhân số 669 có biểu hiện sốt nhẹ, rát họng nhưng đến nay đã không còn sốt.

BS Hương bộc bạch: “Cuộc chiến” chống Covid-19 không phải của riêng ai, của riêng ngành nghề nào mà là của tất cả mọi người. Là bác sĩ, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình và sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu”.

* Bảo vệ bản thân an toàn

Có thâm niên công tác 7 năm tại bệnh viện nhưng năm 2020 là năm đặc biệt nhất với chị Lê Thị Thúy, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc.

Hộ lý Chu Thị Thơ lau chùi các bề mặt, tay nắm cửa tại bệnh viện đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: H.Dung
Hộ lý Chu Thị Thơ lau chùi các bề mặt, tay nắm cửa tại bệnh viện đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: H.Dung

Chị Thúy tâm sự, nhà chị ở gần bệnh viện, ngoài 2 vợ chồng còn có cha mẹ già và con trai năm nay 13 tuổi. Ở đợt dịch bệnh trước, các thành viên trong gia đình khá lo lắng khi chị làm việc trong bệnh viện nhưng đến nay, mọi người đã hiểu hơn về tình hình dịch bệnh, luôn chia sẻ, động viên để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáng hằng ngày, chị Thúy đi đo huyết áp, cặp nhiệt độ, phát thuốc cho những người thuộc diện cách ly rồi về phòng ghi chép hồ sơ. Có những thời điểm, bệnh viện tiếp nhận, cách ly với số lượng bệnh nhân lớn - gần 50 người, công việc có phần vất vả nhưng bản thân chị Thúy không ngần ngại, luôn tận tâm để làm những điều tốt nhất cho người bệnh. Cũng như nhiều nữ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý khác, việc ăn, ngủ, sinh hoạt hằng ngày của chị Thúy được “gói gọn” trong bệnh viện, không ra ngoài để tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh (nếu có).

Trong khi đó, hộ lý Chu Thị Thơ mỗi ngày 3 bữa đi phát cơm cho bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện, dọn dẹp vệ sinh, lau dọn các bề mặt tay nắm cửa, bàn ghế... trong khu cách ly. Bất kể khi nào bệnh nhân cần gì, đổi trả gì, chị Thơ cũng sẵn lòng giúp đỡ.

“Điều mà chúng tôi - những người đang trực tiếp ngày đêm làm việc trong bệnh viện điều trị Covid-19 mong muốn là nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ của gia đình, người thân, sự chung tay, đồng lòng góp sức của cả xã hội để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Có như thế, chúng tôi mới sớm được trở về với gia đình, được quây quần bên mâm cơm ấm nóng, với chồng và những đứa con thân yêu” - chị Thơ bộc bạch.

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Phổi Đồng Nai về công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mới đây, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đặc biệt lưu ý và đề nghị bệnh viện tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các hộ lý vì họ là những người hằng ngày tiếp xúc với các bề mặt - nơi có nguy cơ lây nhiễm virus khá cao.

Sau khi kết thúc tua trực 14 ngày, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Bệnh viện Phổi Đồng Nai sẽ cách ly tại bệnh viện thêm 14 ngày nữa. Trong thời gian này, họ chỉ có thể “gặp gỡ” người thân trong gia đình qua màn hình điện thoại thông minh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều