Người dùng mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh những chiếc chậu rửa tay tự chế rất dễ thương và tiện lợi của thầy Mai Văn Sáu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc).
Người dùng mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh những chiếc chậu rửa tay tự chế rất dễ thương và tiện lợi của thầy Mai Văn Sáu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc).
Thầy Mai Văn Sáu thiết kế chậu rửa tay kết hợp từ chậu inox với lốp xe cũ. Ảnh: C.Nghĩa |
Chia sẻ về những chiếc chậu rửa tay “siêu dễ thương” của mình, thầy Sáu cho hay: “Khi có dịch Covid-19, nhà trường tính toán xây dựng hệ thống chậu rửa tay cho học sinh, nhưng do chi phí thực hiện đắt đỏ, thời gian thi công lâu... Cái khó “ló” cái khôn, tôi đã thảo luận với giáo viên tự thiết kế lắp đặt thử một số chậu rửa tay làm từ vật liệu mua ngoài thị trường và vật liệu phế thải. Không ngờ, khi một số hình ảnh được đồng nghiệp đưa lên mạng xã hội lại lan tỏa nhanh và nhận được nhiều lời khen đến vậy”.
* Cái khó “ló” cái khôn
Những chiếc chậu rửa tay của thầy Sáu được làm từ vật liệu dễ mua, chi phí thấp với thời gian hoàn thành khá nhanh. Thầy Sáu cho biết, để hoàn thành một chiếc chậu theo thiết kế chỉ cần mua một chiếc chậu inox bán kính rộng khoảng 40cm, có giá khoảng 90 ngàn đồng, một số thanh sắt nhỏ để hàn thành khung đỡ, một bộ vòi xả kèm theo đường ống cấp thoát nước. Ngoài ra, còn cần tới một chiếc lốp xe 4 chỗ đã qua sử dụng để vừa chiếc chậu inox trong lòng chiếc lốp xe. Chiếc lốp xe cũ có thể xin của phụ huynh hoặc mua ở các đại lý chuyên thay mới lốp xe với giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/cái.
Thầy Mai Văn Sáu về công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ từ năm 2007, năm 2017 thầy được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng. Nhiều thầy cô trong ngành GD-ĐT ở H.Xuân Lộc đều biết đến tài lẻ của thầy Sáu khi thầy chơi đàn, thổi sáo bằng miệng và mũi. Thầy Sáu có một người anh trai cũng khá quen thuộc với khán giả truyền hình khắp cả nước, đó chính là nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc Mai Đình Tới, người đã ghi nhiều kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới Guinness vì cùng lúc chơi được nhiều nhạc cụ. |
Quá trình thi công hoàn chỉnh một chiếc chậu rửa tay cũng không quá khó. Việc đầu tiên là khoan một chiếc lỗ ở giữa lòng chiếc chậu để bắt ống thoát nước, tiếp theo là cắt các thanh sắt hàn thành khung đỡ chậu có chiều cao vừa tầm với của học sinh. Chiếc lốp xe cũ được vệ sinh sạch sẽ, khoan một lỗ nhỏ để bắt vòi nước, sau đó sơn lại cho mới với màu sắc tùy chọn để hấp dẫn hơn với học sinh. Khi các cấu phần của toàn bộ chậu rửa được chuẩn bị hoàn chỉnh, chỉ cần đưa chiếc lốp xe lên mặt giá đỡ, tiếp đó đặt chiếc chậu vào lòng lốp xe. Thao tác cuối cùng là kết nối đường ống cấp nước với vòi được lắp đặt trên thành của lốp xe xả xuống chậu rửa.
Thầy Sáu cho biết, chỉ cần một ngày làm việc cật lực với sự hỗ trợ đắc lực của một số đồng nghiệp, hệ thống chậu rửa tay gồm 7 chiếc đã được hoàn thành với tổng chi phí chưa đến 300 ngàn đồng/chiếc. Chi phí cho hệ thống chậu rửa tay của thầy Sáu thực hiện nếu so với hệ thống chậu rửa tay được thi công kiên cố bằng bê tông cốt thép, ốp đá granite và chậu sứ công nghiệp chi phí chỉ bằng 1/20. Thời gian để thầy Sáu chuẩn bị, thi công hoàn thành hệ thống chậu rửa tay cũng chỉ bằng 1/4 so với xây dựng kiên cố.
Thầy Lê Thế Luân, giáo viên dạy thể dục Trường tiểu học Nguyễn Huệ, người đã đồng hành với thầy Sáu thi công lắp đặt những chiếc chậu giúp học sinh rửa tay cho hay, sau khi thầy Sáu trình bày ý tưởng, giáo viên của trường ai nấy đều hưởng ứng và tham gia. Các thầy cô đã tự ứng trước tiền túi của mình và phân công nhau đi mua vật liệu rồi đi xin những chiếc lốp xe cũ về sơn lại cho mới.
* Chia sẻ sáng kiến hay
Sáng kiến chậu rửa tay giúp học sinh phòng tránh dịch Covid-19 của thầy Sáu không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, thời gian, phù hợp với điều kiện của một trường tiểu học miền núi H.Xuân Lộc mà còn mang lại sự an toàn, tiện lợi trong quá trình sử dụng. Thầy Sáu chia sẻ thêm, học sinh tiểu học vốn rất hiếu động, nếu dùng chậu rửa bằng sứ, quá trình dùng sẽ rất dễ vỡ, khi vỡ có thể gây thương tích cho học sinh. Hơn nữa, việc xây dựng chậu rửa như các trường vẫn làm chỉ thực hiện cố định được ở một chỗ, không thể di chuyển được, còn chậu rửa tay của thầy Sáu thiết kế có thể di chuyển để phục vụ học sinh.
Hệ thống chậu rửa tay tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ với những thông tin tuyên truyền về dịch Covid-19 |
Không dừng lại ở sáng kiến chậu rửa tay dễ thương và tiện lợi, thầy Sáu còn thể hiện sự am hiểu tâm lý của học trò. Thầy cho hay, những chiếc chậu rửa được đặt trong những chiếc lốp xe đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng có thể kích thích học trò chăm chỉ rửa tay. Khi đặt vị trí các chậu rửa tay thầy cũng tính toán thật kỹ khi quyết định chọn các gốc cây râm mát, cũng là nơi học sinh thường lui tới vui chơi. Khi học sinh rửa tay xong, nước sẽ thoát xuống gốc cây giúp cây được xanh tốt, tiết kiệm nước tưới.
Bà Đỗ Thanh Tâm, chuyên viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, người giúp thầy Sáu lan tỏa sáng kiến này ra cộng đồng cho hay: “Thấy hình ảnh những chiếc chậu rửa tay dễ thương, tiện lợi, dễ làm nên tôi đã xin phép thầy được chia sẻ lên mạng xã hội. Sau khi được giới thiệu trên fanpage Thông tin giáo dục Đồng Nai của Sở GD-ĐT tại địa chỉ: www.facebook.com/dongnaiedu/ đã thu hút được hơn nửa triệu người xem, gần 3 ngàn người chia sẻ cùng những lời khen. Nhiều người còn bình luận, bày tỏ mong muốn được thầy Sáu làm clip đăng tải lên mạng xã hội hướng dẫn cách làm chi tiết để mọi người có thể làm theo.
Thầy Sáu vui mừng cho biết, hiện thầy đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ từ Trường tiểu học Hùng Vương (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) sản xuất 7 chậu rửa, một số trường tiểu học ở H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa cũng đã đặt hàng nhờ thầy “chuyển giao công nghệ”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Bảo Ngọc, chủ doanh nghiệp tư nhân Ngọc Lốp Ô Tô ở xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ và thích thú với sáng kiến của thầy Sáu, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thầy những chiếc lốp xe ô tô cũ để thầy có thể chế tạo ra những chiếc chậu rửa tay cho học sinh các trường, góp phần phòng tránh dịch bệnh Covid-19”.
Công Nghĩa