Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh bệnh thalassemia nhờ khám sức khỏe tiền hôn nhân

10:12, 25/12/2019

Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh do rối loạn di truyền. Nếu cha và mẹ đều có gen bệnh thì phần lớn con sinh ra sẽ bị bệnh thalassemia.

Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh do rối loạn di truyền. Nếu cha và mẹ đều có gen bệnh thì phần lớn con sinh ra sẽ bị bệnh thalassemia.

Một trẻ bị bệnh thalassemia phải truyền máu thường xuyên để duy trì sự sống tại Bệnh viên nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: K.Ngọc
Một trẻ bị bệnh thalassemia phải truyền máu thường xuyên để duy trì sự sống tại Bệnh viên nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: K.Ngọc

Chi phí chữa trị căn bệnh này rất lớn nhưng để phòng tránh bệnh này, các cặp vợ chồng sắp cưới chỉ cần khám sức khỏe tiền hôn nhân.

* Chi phí điều trị tốn kém

Khi thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát để phát hiện các bệnh lý: tim mạch, máu, thalassemia, đái tháo đường, viêm gan B...

Hiện nay, khoa sản của các cơ sở y tế đều thực hiện việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bác sĩ Võ Tuyết Loan, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, đối với nữ, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện sớm các trường hợp bị buồng trứng đa nang, ảnh hưởng tới việc sinh sản, tiêm ngừa, hướng dẫn bổ sung các dưỡng chất trước khi mang thai (khi các cặp vợ chồng đã có kế hoạch có con)…

Còn đối với nam giới, các bác sĩ cũng sẽ khám tổng quát và chức năng sinh sản. Theo bác sĩ Loan, hiện nay Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cung cấp được tất cả các dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân, trừ xét nghiệm gen phải chuyển mẫu lên Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh. “Đáng buồn là tỷ lệ người khám sức khỏe tiền hôn nhân không nhiều vì còn thiếu thông tin và có tâm lý ngại ngùng khi vào khoa sản” - bác sĩ Tuyết Loan nói.

Hiện nay, Khoa Huyết học - thần kinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang điều trị khoảng 80 bệnh nhi bị thalassemia nặng, phải truyền máu thường xuyên và hơn 100 bệnh nhân thalassemia thể nhẹ. Trung bình, mỗi tuần Khoa Truyền máu tập trung cho 15-20 bệnh nhi vào ngày thứ tư hằng tuần. Có những trẻ bị thalassemia nặng nên 2 tuần đã phải truyền máu, thải sắt một lần. Chi phí mỗi đợt truyền máu của một trẻ trên 6 tuổi gồm: tiền máu, tiền giường, thuốc thải sắt (tùy loại)... Dù có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân vẫn phải đóng một khoản đồng chi trả, ít nhất là 500 ngàn đồng/tháng.

* Chưa được quan tâm đúng mức

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng khoa Huyết học - thần kinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, chi phí điều trị cho một bệnh nhân thalassemia thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm, Việt Nam cần có trên 2 ngàn tỷ đồng để tất cả bệnh nhân có thể được điều trị mức tối thiểu và cần có 500 ngàn đơn vị máu an toàn điều trị cho bệnh nhân.

 Tỷ lệ trẻ em sinh ra mắc bệnh thalassemia những năm gần đây ngày càng có xu hướng gia tăng do các cặp vợ chồng không thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ngoài ra, do những người mang gen bệnh này không có bất cứ biểu hiện nào nên nhiều người còn tâm lý chủ quan.

Theo các bác sĩ, thalassemia là bệnh nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh được bằng những tầm soát cơ bản. Cụ thể, cả 2 người cùng có gen bệnh, sinh con sẽ có 25-50% trường hợp bị bệnh thalassemia nặng, do đó được khuyến cáo không nên kết hôn. Tuy nhiên, nếu kết hôn và mang thai sẽ phải theo dõi ở các trung tâm sản khoa để các bác sĩ định kỳ chọc ối kiểm tra bộ gen của trẻ. Nếu ở thể nặng, bác sĩ sẽ tư vấn chấm dứt thai kỳ. “Xét nghiệm tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thalassemia, bảo vệ thế hệ sau và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam” - bác sĩ Tuyết Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Kim Tuyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai cho hay, hiện chi cục chỉ có thể thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn để các cặp vợ chồng sắp cưới đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo Thông tư 26/2018/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe tiền hôn nhân cho những đối tượng nguy cơ cao như: người trong vùng nhiễm chất độc da cam/dioxin, hộ nghèo, gia đình chính sách. “Tuy nhiên, tỉnh lại chưa quy định rõ các vùng, địa phương thuộc diện trên nên khó khăn trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cặp vợ chồng trẻ khám sức khỏe tiền hôn nhân” - bà Tuyến nói.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều