Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong công tác y tế lao động

09:03, 10/03/2019

Các bệnh viện và trung tâm y tế chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh cơ quan chức năng, chấp nhận nộp phạt chứ không chịu thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến vệ sinh lao động.

Các bệnh viện và trung tâm y tế chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh cơ quan chức năng, chấp nhận nộp phạt chứ không chịu thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến vệ sinh lao động.

Công nhân lao động Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) được khám sức khỏe định kỳ. ảnh: C.T
Công nhân lao động Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) được khám sức khỏe định kỳ. ảnh: C.T

Đó là 2 trong số nhiều bất cập, hạn chế trong công tác y tế lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua.

* Khó tiếp cận doanh nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác y tế lao động tại địa phương, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom Nguyền Hồng Tảo cho biết, nhân lực làm công tác y tế lao động tại huyện còn thiếu nên chưa đủ sức để quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp. Mức xử phạt những doanh nghiệp không chấp hành công tác y tế lao động còn nhẹ, chưa mang tính răn đe dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm trong nhiều năm, chấp nhận chịu phạt chứ không thực hiện đúng các quy định. Mặt khác, Trung tâm y tế huyện cũng không có chức năng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp nên rất khó để thực hiện khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Thông tư 19 của Bộ Y tế quy định công tác y tế lao động gồm: hướng dẫn lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp; kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe; vệ sinh phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc và bảo đảm trang thiết bị sơ cứu, cấp cứu.

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp với gần 200 doanh nghiệp đã và đang đi vào hoạt động nhưng theo ông Lê Vĩnh Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành, việc trung tâm tiếp cận các doanh nghiệp để phổ biến công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do hiện nay doanh nghiệp đã tự thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động rồi báo cáo lên cơ quan chức năng chứ không có sự can thiệp của Trung tâm y tế huyện. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công tác an toàn vệ sinh lao động, chưa tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở. Hiện huyện Long Thành mới chỉ có 31/169 doanh nghiệp có cán bộ y tế.

Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phan Hải Nam cho biết, việc doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh đoàn công tác của cơ quan chức năng vào kiểm tra, giám sát, tư vấn công tác vệ sinh lao động đã tồn tại nhiều năm nay. Có những doanh nghiệp mặc dù đã được lên kế hoạch rõ ràng, cụ thể nhưng cuối cùng lại tìm đủ lý do để không tiếp đoàn. Vì không có chế tài gì để xử lý những doanh nghiệp này nên cơ quan chức năng cũng rất khó làm việc.

* Cần xem người lao động là tài sản quý

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, thực tế cho thấy nơi nào chủ doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm và tính tự giác cao thì nơi đó người lao động được quan tâm, chăm lo sức khỏe tốt và ngược lại.

Có thể kể đến doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (100% vốn Đài Loan, đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) chuyên gia công đầu golf, gậy golf, lắp ráp golf thành phẩm, hiện có hơn 2,6 ngàn lao động.

Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, phụ trách y tế tại công ty cho hay, thời gian qua, công ty đã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người lao động thông qua các hoạt động như: quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm đối với người lao động làm công việc thuộc ngành nghề nặng nhọc độc hại; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ, tập huấn sơ cấp cứu, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, công ty còn cử cán bộ y tế tham gia tập huấn cấp chứng chỉ chuyên môn về y tế lao động theo quy định, cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật cho người lao động hằng năm.

“Công ty xác định người lao động là tài sản quý. Chỉ khi người lao động có đủ sức khỏe mới mong đạt được năng suất lao động cao và công ty ngày càng phát triển” - bà Kiều bộc bạch.

Trong khi đó, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành) lại thực hiện rất nghiêm túc công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Công ty đã thành lập phòng chuyên trách về quản lý an toàn sức khỏe môi trường toàn công ty, có đội ngũ cán bộ bán chuyên trách quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các ca làm việc của các đơn vị sản xuất. Hằng năm, công ty đều trang bị bảo hộ lao động, đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho toàn thể công nhân viên, kiểm định đầy đủ và đúng thời hạn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Ngành y tế đang quản lý hơn 1,7 ngàn cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh. Năm 2018 các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động cho hơn 1,6 ngàn cơ sở lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 368 cơ sở; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 74,7 ngàn người tại 226 doanh nghiệp; khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn người tại 78 doanh nghiệp; tập huấn sơ cấp cứu - phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho hơn 7,1 ngàn người tại 168 doanh nghiệp. Qua hội chẩn, giám định bệnh nghề nghiệp phát hiện 25 người bị điếc nghề nghiệp, 6 người bị viêm gan siêu vi B và 1 người bị bệnh lao nghề nghiệp.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều