Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, công nghệ tự động hóa ngày càng ứng dụng mạnh, thì khả năng lao động phổ thông bị thay thế là điều hoàn toàn có thể xảy ra...
Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, công nghệ tự động hóa ngày càng ứng dụng mạnh vào hoạt động của doanh nghiệp thì khả năng lao động phổ thông bị thay thế là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bài 1: Khi công nghệ tự động vào sản xuất
Cách đây khoảng 15-20 năm, Đồng Nai là địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ. Hàng loạt công ty, nhà máy thuộc lĩnh vực da giày, gỗ, dệt may, sản xuất linh kiện điện tử mọc lên nhanh chóng. Những doanh nghiệp này đòi hỏi một lượng lao động rất lớn, có khi lên đến 20-30 ngàn người để phục vụ nhu cầu sản xuất. Thế nhưng hiện nay, xu hướng tuyển dụng lao động đã có sự thay đổi...
Việc đào tạo công nghệ tự động hiện đại đã được Công ty TNHH Bosch Việt Nam triển khai cho người lao động từ nhiều năm nay. |
Không ít doanh nghiệp thay vì tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông đã tập trung thay đổi công nghệ, máy móc hiện đại, sử dụng ít lao động, thậm chí đưa robot vào dây chuyền sản xuất để dần thay thế sức người.
* Đầu tư tự động hóa
Công ty TNHH may mặc Elat Việt Nam đã hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) cách đây gần 5 năm. Phần lớn trong số trên 2 ngàn lao động của công ty này lúc bắt đầu đi vào hoạt động là lao động phổ thông, tuy nhiên 3 năm trở lại đây, một số công đoạn sản xuất đã dần thay thế bằng máy móc tự động hóa.
Điển hình là khâu đo và cắt vải đều được tự động hóa bằng công nghệ cắt laser. Một lần cắt có thể ra từ hàng trăm mảnh vải là các chi tiết của một sản phẩm, tất cả các thông số của mảnh vải được cắt đều có độ chính xác 100%. Sau khi vải được cắt sẽ tự động được đưa vào các băng chuyền và chuyển đến các vị trí của công nhân ngồi may.
Anh Lâm Chí Hùng, cán bộ nhân sự của công ty cho biết, con người không thể cắt thủ công một lúc ra cả trăm chi tiết của một sản phẩm may nhưng công nghệ tự động hóa hoàn toàn có thể làm được. Trong tương lai, sẽ có nhiều công đoạn nữa mà lao động phổ thông của con người được thay thế.
Ông Trần Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (TP.Biên Hòa) cho biết: “Đổi mới máy móc là yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết để có thể sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”. |
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), khâu cắt da hoặc vải để may giày cũng đã được tự động hóa. Các mảnh da được xếp nhiều lớp lên nhau, sau đó một chiếc máy cắt tự động được điều khiển bằng máy vi tính tự động cắt rất nhanh chóng và chính xác.
Hay công đoạn vận chuyển nguyên liệu từ kho đến vị trí công nhân sản xuất tại công ty trước đây phải cần đến nhiều công nhân vận chuyển, nhưng 5 năm nay robot đã thay thế công việc này. Những chú robot chất đầy nguyên liệu xuất phát từ kho và đi theo các đường cảm biến đến vị trí công nhân sản xuất. Đến vị trí cần thiết, robot sẽ phát tín hiệu để công nhân quay sang lấy nguyên liệu may. Khi đến cuối đường thì robot tự động đi ngược lại để thu hồi những sản phẩm đã hoàn thành đưa về kho.
Không chỉ có ngành dệt may hay da giày, một số công ty chuyên sản xuất hàng điện tử tại Đồng Nai cũng đã bắt nhịp với xu thế tự động hóa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Công ty TNHH điện tử Tokin Việt Nam (KCN Long Bình, TP.Biên Hòa) nhiều công đoạn trước đây vốn do những công nhân phổ thông đảm nhận nay đã thay thế bằng những cỗ máy tự động được chuyển giao từ chính những sinh viên Việt Nam chế tạo qua nghiên cứu và cải thiện lại quy trình sản xuất.
Theo lãnh đạo công ty, từ năm 2012 công ty đã thay thế công đoạn lắp ráp cuộn cảm trong mô tơ điện từ lao động chân tay sang công nghệ tự động. Công nghệ lắp ráp tự động chẳng những cho năng suất cao hơn 4-5 lần so với lao động chân tay mà còn giúp chất lượng đồng đều hơn. Chi phí một chiếc máy chỉ dưới 20 triệu đồng và có thể dùng trong 5-10 năm. So với chi phí lao động của con người thì rẻ hơn rất nhiều lần.
* Những nhà máy sử dụng ít lao động
Các doanh nghiệp của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đầu tư tại Đồng Nai càng về những năm sau này càng sử dụng ít lao động phổ thông, vì phần lớn sử dụng những công nghệ hiện đại.
Cơ cấu trình độ lao động trong tổng số 1,2 triệu người đang làm việc tại 29.400 tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế tại Đồng Nai. Đồ họa: Văn Truyên - (Số liệu: Sở Lao động - thương binh và xã hội cung cấp) (Đơn vị tính: %) |
Tại Công ty TNHH nước giải khát Suntory PesiCo Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa), công nghệ sản xuất tự động hóa được áp dụng ở nhiều công đoạn. Giữa sự ồn ào của máy móc, quan sát từ trên cao gần như không có nhiều bóng dáng của công nhân. Và công nhân cũng không phải quá vất vả, chủ yếu là đứng quan sát và điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Anh Dương Thanh Tuyền, cán bộ kỹ thuật làm việc tại Công ty TNHH Suntory PesiCo Việt Nam cho biết: “Lao động tại công ty tuy ít nhưng phần lớn có trình độ cao, trừ một số ít những khâu đơn giản như: nhập liệu, xuất kho...”.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh có 29.400 tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế; 1,2 triệu lao động. |
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam (KCN Long Thành, huyện Long Thành), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Cộng hòa liên bang Đức, chuyên sản xuất dây đai truyền lực động cơ ô tô, công nghệ tự động ở đây đã đạt đến trình độ rất cao.
Nhiều công đoạn của nhà máy đã dùng đến các cánh tay robot với độ linh hoạt và chính xác cao. Từ công đoạn cắt dập các mắt xích dây đai đến xi mạ và lắp ráp các mắt xích thành một sợi dây đai truyền lực đều được tự động hóa, công nhân chỉ làm công việc đứng quan sát, kiểm tra về cơ bản chất lượng. Riêng khâu kiểm tra kỹ thuật chuyên sâu sẽ kiểm tra bằng máy móc.
Anh Phạm Tiến Nhật, nhân viên kỹ thuật của Bosch Việt Nam cho hay để nắm bắt được công nghệ hiện đại của nhà máy, công nhân phổ thông không làm được mà nhất định phải có trình độ và nhận thức chuyên sâu về công nghệ.
Còn tại KCN Long Đức (xã Long Đức, huyện Long Thành) hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư công nghệ để sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ. Điển hình trong số đó có Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam chuyên sản xuất các loại khung cửa nhôm cao cấp.
Điều khá bất ngờ ở công ty Nhật Bản này là có nhiều máy móc tự động ứng dụng thay thế con người được chuyển giao từ chính các sinh viên Việt Nam. Một trong số đó là máy bó cuốn các thanh nhôm tự động, máy bắt vít tự động… Những dòng máy này được chuyển giao từ Việt Nam do đó giá thành khá rẻ, nhưng năng suất và chất lượng sản xuất khá ổn định.
Anh Phạm Quốc Toản, cán bộ chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam cho biết, 1 chiếc máy tự động cắt tôn có thể thay thế 4 công nhân bình thường và một dàn máy khoảng 50 chiếc, chi phí khoảng 1 tỷ đồng dùng được 5 năm, có thể thay thế 200 công nhân. So với chi phí lao động phổ thông thì rẻ hơn nhiều.
Giám đốc Công ty TNHH dụng cụ cơ khí và y tế Vpic Việt Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) Đào Văn Việt cho biết, trong thời buổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lệ thuộc vào lao động phổ thông giá rẻ, nhưng nếu so với công nghệ tự động hóa thì chi phí còn rẻ hơn nhiều.
Ở Công ty TNHH dụng cụ cơ khí và y tế Vpic Việt Phát, nhiều công đoạn sản xuất cơ khí không còn dùng lao động phổ thông vì năng suất thấp, chất lượng không đồng đều mà lại tiềm ẩn nhiều điều khiến doanh nghiệp phải lo lắng, nhất là duy trì các mối quan hệ lao động. Hơn nữa khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ tự động hóa hiện đại, các đối tác bao giờ cũng an tâm hơn so với sử dụng quá nhiều lao động phổ thông.
Ông Đào Văn Việt nhấn mạnh: “Xu thế tự động hóa trong sản xuất là điều tất yếu không cần bàn cãi. Vấn đề còn lại là con người thích nghi như thế nào với xu thế này”.
C.Nghĩa - H.Dung - V.Truyên
Bài 2: Xu thế tất yếu