Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của những chàng trai đầy bản lĩnh

08:08, 27/08/2018

Trường đại học Lạc Hồng lần thứ 3 đoạt chức vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương, đó là tin vui vỡ òa tại vòng chung kết Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 do Việt Nam đăng cai, diễn ra vào chiều 26-8 tại Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình.

Trường đại học Lạc Hồng lần thứ 3 đoạt chức vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương, đó là tin vui vỡ òa tại vòng chung kết Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 do Việt Nam đăng cai, diễn ra vào chiều 26-8 tại Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh trao giải vô địch cho đội LH-GALAXY Ảnh: C.NGHĨA
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh trao giải vô địch cho đội LH-GALAXY Ảnh: C.NGHĨA

Cuộc thi có 19 đội tuyển đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Càng đi đến những trận đấu cuối cùng, cuộc thi càng trở nên hấp dẫn khi những đối thủ mạnh thực sự lộ diện, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là “tân binh” Campuchia mới chỉ lần thứ 2 tham dự cuộc thi.

* Tỉ mỉ cho giải đấu thành công

Tại Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, Việt Nam góp mặt đến 2 đội là Việt Nam 1 và Việt Nam 2, là 2 đội giành được thành tích cao nhất tại Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam năm 2018. Điều đặc biệt, cả 2 đội đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương lần này đều đến từ Trường đại học Lạc Hồng là LH-ATM (Việt Nam 1) và LH-GALAXY (Việt Nam 2).

Niềm vui chiến thắng
Niềm vui chiến thắng

Trong quá trình chuẩn bị cho Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, LH-ATM (đội đã giành được chức vô địch Cuộc thi robocon Việt Nam năm 2018) được đánh giá cao hơn LH-GALAXY. Trần Văn Hạnh, Đội trưởng đội tuyển LH-GALAXY chia sẻ: “Dù xếp vị trí thứ 2 tại Cuộc thi robocon Việt Nam nhưng chúng tôi nghĩ khi được là 1 trong 2 đội đại diện cho Việt Nam thi đấu quốc tế thì đều là vinh dự và trách nhiệm, vì thế cần phải quyết tâm mang vinh quang về cho đất nước”.

Còn TS.Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết sau khi giành cả 2 suất đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả 2 đội LH-ATM và LH-GALAXY cải tiến lại robot, khắc phục một số tính năng còn hạn chế, đặc biệt là nâng cao tốc độ và tính chính xác của các robot trong quá trình thi đấu.

Các thành viên đội LH-GALAXY trong trận chung kết
Các thành viên đội LH-GALAXY trong trận chung kết

Nguyễn Anh Đô, thành viên đội tuyển robot LH-GALAXY thì chia sẻ sau khi trở về từ Cuộc thi robot Việt Nam, toàn đội đã tập trung cải tiến robot bằng việc tìm kiếm những thiết bị điện tử hiện đại lắp ráp cho robot hoạt động tốt hơn. Việc lập trình cho robot hoạt động được tính toán với nhiều giải pháp tối ưu. Có nhiều ngày toàn đội đã ở lại xưởng robot cùng làm việc, cùng ăn, cùng ngủ với những chú robot của mình. Thậm chí có những đêm các thành viên phải thức trắng để tìm giải pháp lập trình, tính toán cơ cấu hoạt động cho robot, và có rất nhiều chi tiết đã phải thử đi thử lại nhiều lần.

* Chiến thắng của bản lĩnh

LH-GALAXY đã thể hiện một phong độ thi đấu nhanh, ổn định và đầy bản lĩnh tại Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương. Chiến thắng của
LH-GALAXY trước các đối thủ từ vòng bảng đến trận chung kết đều là những chiến thắng tuyệt đối (chiến thắng Rồng bay) với thời gian ngắn từ dưới 19 giây, thành tích tốt nhất được thiết lập là tại trận chung kết chỉ có 16 giây. Ở vòng bảng, đội
LH-GALAXY đã lần lượt thắng đội Iran, Ai Cập. Xếp hạng chung sau vòng bảng, đội
LH-GALAXY đứng thứ 2, còn đội LH-ATM đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 8 đội lọt vào tứ kết.

Đội LH-GALAXY thi đấu trong trận chung kết.
Đội LH-GALAXY thi đấu trong trận chung kết.

Bước vào vòng tứ kết, tính chất căng thẳng của cuộc thi càng được đẩy lên cao, vì đây thực sự là “vòng tử thần” khi các đội đều rất mạnh, nhất là tốc độ thi đấu. Trong khi đội LH-ATM chấp nhận dừng bước ở vòng tứ kết trước đội tuyển Nhật Bản, thì LH-GALAXY đã chiến thắng đội Malaysia để giành vé vào trận bán kết gặp đội tuyển Nhật Bản, đội từng thắng LH-ATM trong trận tứ kết trước đó.

Đối thủ của LH-GALAXY ở bán kết là Nhật Bản được đánh giá rất mạnh, đặc biệt là tốc độ robot của đôi Nhật Bản được ví là “tốc độ của thần gió”. Thậm chí các nhà chuyên môn của cuộc thi đều có chung nhận định Nhật Bản và Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều cơ hội vô địch hơn cả LH-GALAXY. Tuy nhiên không phụ lòng mong đợi của hàng ngàn khán giả theo dõi cổ vũ tại Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình và khán giả cả nước, đội LH-GALAXY đã vượt qua Nhật Bản để vào chơi chung kết với Trung Quốc.

Ở trận chung kết, các thành viên của LH-GALAXY đã khiến khán giả được trải nghiệm những cảm xúc thật khó tả, từ hồi hộp lo lắng đến vỡ òa trong vui sướng khi vượt qua đối thủ Trung Quốc nhiều duyên nợ. Lê Công Lợi, thành viên thi đấu chính thức của LH-GALAXY chia sẻ: “Trước ngày diễn ra cuộc thi, do “lạ” thời tiết miền Bắc, một số thành viên của đội đã bị cảm khá nặng. Tuy nhiên chúng tôi đã bước vào cuộc thi, nhất là trận chung kết với tâm lý rất vững vàng, bình tĩnh. Chúng tôi có cùng suy nghĩ phải tập trung thi đấu với tinh thần tốt nhất, hoàn thành chiến thắng Rồng bay, không cần biết bên kia đối thủ Trung Quốc đang làm gì, và chúng tôi đã thắng”.

Đến nay, Trường đại học Lạc Hồng đã có 8 lần vô địch cuộc thi robot trong nước và 3 lần vô địch Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương vào các năm 2014, 2017 và 2018.

Xếp hạng chung cuộc Cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương:

Vô địch: Việt Nam 2 ,

Hạng nhì: Trung Quốc

Đồng hạng ba: Nhật Bản và Campuchia.

Năm 2019 cuộc thi sẽ do Mông Cổ đăng cai.

Công Nghĩa (từ Ninh Bình)

Tin xem nhiều