Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa người học gần thực tế

10:01, 09/01/2017

Nhiều cơ sở đào tạo đã tìm hướng đưa người học gần với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đã giúp cho người học cảm thấy hứng thú với việc học, đồng thời chất lượng đào tạo được tăng lên rất đáng kể.

Nhiều cơ sở đào tạo đã tìm hướng đưa người học gần với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đã giúp cho người học cảm thấy hứng thú với việc học, đồng thời chất lượng đào tạo được tăng lên rất đáng kể.

Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai giới thiệu các mô hình ứng dụng tự chế tạo. Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai giới thiệu các mô hình ứng dụng tự chế tạo. Ảnh: C.NGHĨA

Trường trung cấp cơ giới Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu) sau hơn 4 năm được hưởng lợi từ dự án đào tạo nghề cơ khí chế tạo của Thụy Sĩ, nay đã tạo được uy tín về chất lượng đào tạo với nhiều doanh nghiệp. Học sinh tốt nghiệp nghề cơ khí dễ tìm việc, được trả lương cao hơn nhiều so với trước.

Đào tạo thực tế

TS.Horst Sommer, Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ), cho biết: “Sinh viên ra trường đòi hỏi có một trình độ và kỹ năng làm việc thực tế nhưng lại là điều doanh nghiệp và xã hội Việt Nam rất thiếu và yếu. Do đó, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là tại Đồng Nai, một tỉnh phát triển rất mạnh về công nghiệp cần đặc biệt coi trọng”.

Hiệu trưởng Trường trung cấp cơ giới Đông Nam bộ Ngô Bá Bang cho biết khi chưa có tài trợ của Thụy Sĩ, thiết bị dạy nghề, giáo trình cơ khí chế tạo của trường rất yếu. Điều kiện thực hành, chất lượng đào tạo vì vậy mà hạn chế theo. Vật liệu phôi thép dùng thực hành chế tạo vốn đắt đỏ, nếu dùng nhiều thì học phí không đủ chi, sản phẩm thực hành xong không xài được rất lãng phí. Tuy nhiên, hiện nay trường đã có các máy CNC cắt gọt kim loại hiện đại, trình độ đảm bảo nên đã có những doanh nghiệp mang đơn hàng tới đặt trường chế tạo, giúp sinh viên có cơ hội bám sát thực tiễn, bớt chi phí mua phôi thép, lại có thêm thu nhập cho giáo viên lẫn sinh viên.

TS.Nguyễn Bá Thuận, Phó trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, cho biết không có phương pháp giảng dạy nào tốt hơn là giúp sinh viên tiếp cận nhanh với thực tế của doanh nghiệp. Nhờ cách tiếp cận này mà sinh viên tiếp thu nhanh, rèn luyện được các kỹ năng làm việc thực tế trong doanh nghiệp, thậm chí giải quyết được nhiều giải pháp công nghệ. Điển hình là sinh viên của khoa trong quá trình đi thực tập đã cải tiến giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quy trình sản xuất, chế tạo ra các máy móc, như: máy ráp cuộn cảm tự động tại Công ty TNHH Nec Tokin Electronics  Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco), robot vận chuyển hàng hóa tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu); mới đây nhất là máy cắt nhôm tại Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành).

Tạo cơ hội cho người học

Sinh viên Khoa điện tử Trường cao đẳng nghề Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Phạm Văn Chiến và Trần Phú Thanh cuối năm 2016 đã giành được huy chương bạc hội thi tay nghề ASEAN tại Malaysia. Đề tài đoạt giải liên quan tới công nghệ robot di động ứng dụng tại cảng biển. Theo đó, robot được thiết kế và lập trình để có thể nâng và hạ các kiện hàng hóa vào các vị trí  mong muốn. Sinh viên Phạm Văn Chiến cho biết: “Tự động hóa đã và đang trở thành một xu thế tất yếu của các lĩnh vực sản xuất. Do đó, ở bất cứ lĩnh vực nào sinh viên cũng có thể nghiên cứu để có các giải pháp ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, để sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế, trước tiên cần phải được giáo viên trang bị những kiến thức chuyên sâu, tăng thời gian để rèn luyện kỹ năng thực hành và tạo cơ hội tiếp cận nhiều với môi trường sản xuất trong doanh nghiệp”

Được tiếp cận với thực tế sản xuất của doanh nghiệp luôn là cơ hội tốt cho học viên ở tất cả các ngành nghề đào tạo, tuy nhiên để làm được điều này không hề đơn giản. TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho rằng có những điều kiện nhất định để doanh nghiệp đồng ý cho sinh viên tiếp cận thực tế. đó là: lãnh đạo các trường phải chủ động tiếp thị sinh viên với doanh nghiệp, sinh viên phải có kiến thức cơ bản để nắm bắt được công nghệ của doanh nghiệp, và phải mang lại lợi ích nhất định nào đó cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thực tế. TS.Phan Ngọc Sơn cũng cho rằng: “Ngày nay đào tạo mà không thực tế thì không khác nào “đem con bỏ chợ”, do đó đơn vị đào tạo phải có trách nhiệm với người học, với sản phẩm mình đào tạo ra”.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đủ mọi ngành nghề, trình độ sản xuất khác nhau. Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, do đó không đâu xa, đây chính là một địa bàn sản xuất rất phong phú về thực tiễn mà các trường đào tạo có thể nắm bắt những cơ hội thực tế này cho sinh viên.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều