Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Còn nhiều cái khó...

10:12, 04/12/2016

Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà với bảo hiểm y tế (BHYT) xuất phát từ tâm lý chỉ muốn được đăng ký khám, chữa bệnh ở những bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến tỉnh vì chưa tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà với bảo hiểm y tế (BHYT) xuất phát từ tâm lý chỉ muốn được đăng ký khám, chữa bệnh ở những bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến tỉnh vì chưa tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện. Đây là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa, nhất là khi tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Do thiếu bác sĩ nên ban giám đốc các cơ sở y tế tuyến huyện cũng trực tiếp xuống khám, chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Phạm Trương Khánh Giang siêu âm cho bệnh nhân. Ảnh: N.Thư
Do thiếu bác sĩ nên ban giám đốc các cơ sở y tế tuyến huyện cũng trực tiếp xuống khám, chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Phạm Trương Khánh Giang siêu âm cho bệnh nhân. Ảnh: N.Thư

Không thể phủ nhận rằng trong 5 năm qua, ngành y tế đã đầu tư khá nhiều cho tuyến huyện. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng mới hoặc được sửa chữa, nâng cấp và mua sắm các trang thiết bị theo chuẩn của bệnh viện tuyến huyện theo Bộ Y tế đề ra; tay nghề của đội ngũ bác sĩ từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của người dân, các cơ sở y tế tuyến huyện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ mới thực sự hút được bệnh nhân.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã xuống cấp, trong đó có 2 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã xuống cấp nhiều năm nay, đang chờ xây dựng mới là Trung tâm y tế TP.Biên Hòa và Bệnh viện đa khoa huyện Nhơn Trạch. Máy móc, trang thiết bị y tế ở 2 cơ sở này cũng đã cũ kỹ. Ngoài ra, một số cơ sở y tế dù mới hoạt động khoảng 5 năm nay nhưng cũng bắt đầu xuống cấp, như: Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ (Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ cũ), Trung tâm y tế huyện Thống Nhất (Bệnh viện đa khoa Dầu Giây cũ), Cơ sở 2 Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu ở xã Thạnh Phú...

Trần nhà của cơ sở khám, chữa bệnh Trung tâm y tế huyện Thống Nhất bị thấm nước rất nhiều nên thường xuyên rơi vôi vữa xuống đất .
Trần nhà của cơ sở khám, chữa bệnh Trung tâm y tế huyện Thống Nhất bị thấm nước rất nhiều nên thường xuyên rơi vôi vữa xuống đất .

Tại các cơ sở y tế kể trên, nhiều khoa, phòng có tường nhà, trần nhà bị thấm nước, bong tróc, trong đó hư hỏng nặng nhất, khó khắc phục nhất là các nhà vệ sinh. Cụ thể, ở Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ, nước từ nhà vệ sinh thấm xuống trần nhà của một số khoa, phòng bốc mùi hôi khó chịu, thậm chí có chỗ bị thấm nước nhưng không tìm được nguyên nhân từ đâu khiến đơn vị này rất khó khắc phục.

Ngoài ra, trang thiết bị của một số cơ sở khám chữa bệnh  tuyến huyện cũng được đầu tư nhưng chỉ đầu tư những trang thiết bị cơ bản, phục vụ tối thiểu cho nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định của Bộ Y tế, như: máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa thông thường, hệ thống máy móc cấp cứu hồi sức..., trong khi nhu cầu của người dân cần những máy móc hiện đại hơn, như: siêu âm 4 chiều, X.quang kỹ thuật số, máy scanner CT thì rất ít cơ sở y tế có được.

Thiếu nhân lực, vướng quy định!

Đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn

Ông Lê Gia Em (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) cho hay ông đã đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh  thuộc Trung tâm y tế huyện Thống Nhất suốt 4 năm qua, nhưng thấy cơ sở này chưa có nhiều máy móc hiện đại như máy scanner CT. Nhiều người vì thế đã đổ xô bằng mọi cách để mua được thẻ ở các bệnh viện tuyến tỉnh vì cho rằng cùng bỏ một số tiền ra để tham gia BHYT nhưng tuyến tỉnh có cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, phát triển nhiều chuyên khoa sâu. Do đó, theo ông Em, cần tiếp tục thu hút bác sĩ giỏi, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển các chuyên khoa, triển khai các kỹ thuật mới cho tuyến huyện thì mới có thể giữ chân người dân đăng ký tham gia BHYT tại tuyến huyện.

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì tình trạng thiếu bác sĩ khá phổ biến ở nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều năm qua, trung tâm y tế các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu không thu hút được bác sĩ. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Quang chia sẻ cũng đến hơn 5 năm nay, bệnh viện không thu hút thêm được bác sĩ nào về làm việc nên nguồn nhân lực thiếu rất nhiều. Nếu triển khai được tất cả các chuyên khoa, cũng như triển khai các phẫu thuật, bệnh viện còn cần thêm 35 bác sĩ trở lên mới đáp ứng đủ .

Việc thiếu nhân sự cũng là một rào cản rất lớn cho việc phát triển các kỹ thuật mới theo Đề án 1816 của các đơn vị về “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới”. Theo Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường, toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh chỉ có 19 bác sĩ, còn thiếu 15 bác sĩ mới đủ để triển khai các chuyên khoa cũng như tham gia khám bệnh. Do đó, không có bác sĩ để cử tham gia Đề án 1816 mặc dù Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Luôn gồng mình hoạt động trong tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng thì hiện nay các cơ sở y tế tuyến huyện còn đang “đau đầu” với quy định mới của Bộ Y tế: một bác sĩ chỉ được khám 50 bệnh nhân/ngày, khám bệnh theo chuyên khoa... nếu không sẽ bị xuất toán BHYT. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thống Nhất Hoàng Nghĩa Đài cho rằng đây là một quy định không phù hợp với thực tế vì với điều kiện lực lượng bác sĩ tuyến huyện rất mỏng, phần lớn là bác sĩ đa khoa, rất ít bác sĩ chuyên khoa nên rất khó thực hiện. “Thực ra, quy định một bác sĩ khám 50 bệnh nhân/ngày là tốt, nhưng trước mắt chỉ nên áp dụng ở những bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, nơi không thiếu bác sĩ. Còn với tuyến huyện, cần có thêm lộ trình để tuyển người, phát triển nguồn lực” - bác sĩ Đài kiến nghị.

Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ đã nhiều lần sửa chữa trần nhà của cơ sở khám, chữa bệnh bị thấm nước từ nhà vệ sinh nhưng vẫn không khắc phục được.
Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ đã nhiều lần sửa chữa trần nhà của cơ sở khám, chữa bệnh bị thấm nước từ nhà vệ sinh nhưng vẫn không khắc phục được.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho rằng việc khám bệnh theo chuyên khoa như Bộ Y tế quy định cũng đặt các cơ sở y tế tuyến huyện vào thế khó. Về nhiệm vụ của y tế tuyến cơ sở, tuyến huyện chỉ giải quyết những bệnh thông thường. Nhưng bây giờ, kể cả những bệnh thông thường, như: viêm mũi họng, đau mắt đỏ... cũng yêu cầu phải có bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khoa mắt khám mới cho thanh toán BHYT. Nếu không có bác sĩ chuyên khoa, chẳng lẽ những bệnh thông thường như thế cũng cho chuyển lên tuyến trên? Thực tế ở tuyến huyện mà có 1-2 bác sĩ chuyên khoa là không dễ. Với quy định này, tuyến huyện đã gặp nhiều khó khăn, nay còn khó khăn hơn khi luôn lo lắng bị xuất toán BHYT.

 Nâng cấp các nhà vệ sinh

Ông Lê Công Định (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, ông rất hài lòng với phong cách phục vụ tận tình của các bác sĩ và nhân viên của cơ sở khám chữa bệnh thuộc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, điều ông chưa hài lòng là một số nhà vệ sinh của bệnh viện không đảm bảo vệ sinh, quá nhỏ, bí và thường xuyên ẩm ướt, rò rỉ nước, bốc mùi hôi. Ngoài ra, vị trí của cơ sở khám chữa bệnh cách xa khu dân cư, không có nhiều tuyến xe buýt qua lại. Từ ngã 3 vòng xoay điểm dừng xe buýt vô bệnh viện rất xa, gần 1,5km, bệnh nhân đi bộ vô khó khăn, nhất là những người lớn tuổi.

Đặng Ngọc

Kỳ sau: Đổi mới để thu hút bệnh nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều