UBND tỉnh vừa ký Quyết định 48 ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thay thế cho Quyết định 36 ngày 6-5-2008.
UBND tỉnh vừa ký Quyết định 48 ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thay thế cho Quyết định 36 ngày 6-5-2008. Quyết định 48 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10. Một trong những điểm mới đáng chú ý là các điều khoản quy định thực hiện nếp sống văn minh đối với việc tang khá cụ thể, đề cao được trách nhiệm của chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên.
Vàng mã thường được rải trên đường đưa tang (ảnh minh họa). |
Quy định rõ ràng
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), ở khoản 9, Điều 10 Quyết định 48 quy định: “Thời gian quàn và đưa tang không quá 72 giờ kể từ khi chết. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian tổ chức việc tang thì phải được chính quyền địa phương chấp thuận, thi hài phải được lưu giữ ở điều kiện nhiệt độ lạnh, phòng lạnh của bệnh viện hoặc nhà tang lễ đảm bảo các yêu cầu vệ sinh trong quàn ướp thi hài”. Rõ ràng ở quy định này, thời gian tổ chức đám tang tăng từ 48 giờ lên 72 giờ, đồng thời quy định này cũng nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với một số trường hợp đặc biệt.
Về việc rắc rải vàng mã, tiền âm phủ, nếu như theo điều 17 Quyết định 36 quy định “Hạn chế rắc rải vàng mã, tiền âm phủ trên đường...” thì nhiều ý kiến cho rằng mức độ như thế nào gọi là ‘’hạn chế’’, rất chung chung, không thể định lượng. Liên quan đến vấn đề này, Khoản 2, Điều 12 của Quyết định 48 quy định rõ ràng: “...không rắc rải vàng mã, tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường đưa tang...”. Theo quy định mới này, các hộ gia đình khi tổ chức đám tang vẫn có thể sử dụng vàng mã nhưng tuyệt đối không được rải trên đường đưa tang mà chỉ được đốt tại nơi tổ chức lễ tang và nghĩa địa để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), sau khi Quyết định 48 có hiệu lực, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng. Ngoài việc đưa những quy định liên quan đến việc tang trong Quyết định 48 vào nội dung hương ước, quy ước; chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát và đánh giá nghiêm danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. |
Từ thực tế triển khai thí điểm thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ tang theo Quyết định 36, bà Hoàng Thị Mai, Chủ tịch UBND phường Bình Đa
(TP.Biên Hòa), cho rằng những quy định thì đã có nhưng trên thực tế lễ tang vẫn là phong tục tập quán lâu đời của người dân Việt Nam nên việc triển khai thực hiện chủ yếu vẫn là vận động và tuyên truyền. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo bà Mai chính là tuyên truyền, vận động 2/3 lực lượng dân số theo đạo Phật hoặc tôn giáo khác thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Bởi, đối với người dân theo đạo Phật hoặc tôn giáo khác, việc coi ngày để hoàn thành lễ tang rất quan trọng nên việc lễ tang kéo dài hay ngắn đều phụ thuộc vào lực lượng những người xem ngày.
Theo bà Hoàng Thị Mai, để triển khai Quyết định 48 đạt hiệu quả, cần thiết phải tổ chức triển khai quyết định này một cách sâu rộng trong đội ngũ những người xem ngày. Nếu hộ gia đình nào kéo dài thời gian thì có biện pháp xử lý đối với người xem ngày giờ cho hộ gia đình đó.
Để người dân chấp hành nghiêm những quy định trong thực hiện nếp sống văn minh đối với việc tang, điều quan trọng không kém chính là sự gương mẫu của các gia đình cán bộ, đảng viên. Điều này cũng đã được quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Quyết định 48. Khoản 3, Điều 20 cũng quy định đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Gia đình đảng viên vi phạm theo quy định này cuối năm sẽ bị đánh giá đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ ở nơi cư trú theo Quy định 76 ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Nga Sơn