Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Học nghề để hội nhập

10:08, 31/08/2016

Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển giữa các nước trong cộng đồng AEC, gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. để được trở thành "lao động quốc tế", đòi hỏi đầu tiên đối với người lao động là thông thạo ngoại ngữ để trao đổi, làm việc.

[links()] Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển giữa các nước trong cộng đồng AEC, gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. để được trở thành “lao động quốc tế”, đòi hỏi đầu tiên đối với người lao động là thông thạo ngoại ngữ để trao đổi, làm việc.

Chuyên gia người Đức cùng với giảng viên người Việt Nam hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong giờ thực hành.Ảnh: H.DUNG
Chuyên gia người Đức cùng với giảng viên người Việt Nam hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong giờ thực hành.Ảnh: H.DUNG

Với mong muốn có việc làm ngay, thu nhập tốt sau khi ra trường và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai, nhiều học sinh đã sẵn sàng chọn bước vào trường nghề cùng bao ước mơ, hoài bão.

THÀNH THẠO NGOẠI NGỮ, VỮNG CHUYÊN MÔN

Nguyễn Minh Dương, một trong 54 sinh viên thuộc chương trình “đào tạo kép” giữa Trường cao đẳng nghề Lilama 2 và Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành), cho biết: “Trường cao đẳng nghề Lilama 2 hiện hội tụ nhiều yếu tố tiên tiến, hiện đại để sinh viên vừa học lý thuyết, vừa học thực hành với những loại máy móc hiện đại, như: máy tiện CNC, máy phay, máy cắt, máy gò, máy hàn. Sau khi học ở Lilama 2, tôi quay trở lại Công ty TNHH Bosch Việt Nam để làm việc. Lúc này, tôi không còn bỡ ngỡ, lúng túng mà rất tự tin sử dụng máy móc để sản xuất. Không những thế, học nghề theo tiêu chuẩn quốc tế với giáo trình toàn tiếng Anh đã giúp vốn ngoại ngữ của tôi “giàu” lên từng ngày. Tôi có thể giao tiếp với các chuyên gia người nước ngoài, hiểu được những từ chuyên ngành mà họ muốn chuyển tải”.

Ấp ủ mơ ước sau khi tốt nghiệp tại Trường cao đẳng Lê Quý Đôn sẽ được đi tu nghiệp tại Nhật Bản, sinh viên Lê Ngọc Kiều Oanh (năm thứ 2, khoa điều dưỡng) chia sẻ: “Chúng tôi được học với đội ngũ thầy cô là các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại các bệnh viện có tiếng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại cũng là điều kiện tốt để chúng tôi tiếp cận với thực tế tại các bệnh viện sau này. Tôi đang cố gắng học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật và tự đọc nhiều sách chuyên ngành để nâng cao kiến thức, chuyên môn, có thể đủ điều kiện tu nghiệp tại Nhật Bản trong thời gian tới”.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do nhà trường và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức.
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do nhà trường và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho hay, dự báo giai đoạn 2016-2020 các công ty, doanh nghiệp cần lao động có trình độ đại học trở lên tập trung vào các ngành: cơ khí hóa, hóa chất, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, kiến trúc. Ngành dịch vụ gồm có: tài chính ngân hàng, kế toán, bảo hiểm, hành chính nhân sự, dịch vụ và phục vụ giải trí, du lịch, nhà hàng, khách sạn, marketing. Lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề gồm có: cơ khí, hóa chất, thiết bị điện và điện tử, công nghệ hàn, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ may, công nghệ lắp ráp ô tô và xe gắn máy, kế toán, du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhân viên kinh doanh, bán hàng, marketing.

Tại buổi làm việc với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) về nguồn nhân lực cuối tháng 6-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp kiến nghị với Viện trưởng Bùi Tất Thắng báo cáo Chính phủ nên thành lập một ủy ban phát triển nguồn nhân lực với thành phần gồm một số thành viên của các bộ, ngành liên quan để gắn kết chính sách, tập hợp số liệu về nhu cầu lao động, ngành nghề cần lao động, những yêu cầu đặt ra với người lao động… nhằm giúp các trường nghề, doanh nghiệp hợp tác đào tạo và người học có định hướng đúng đắn.

TIN TƯỞNG VÀO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Ông Peter Wunsch, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (Giz) làm công tác hỗ trợ cho Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết: “Cộng hòa liên bang Đức chọn Đồng Nai và Trường cao đẳng nghề Lilama 2 để xây dựng thành trung tâm dạy nghề chất lượng cao, bởi Đồng Nai là tỉnh đang có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế cũng như nguồn lao động trẻ dồi dào. Đây là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư đến Đồng Nai. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ chúng tôi thực hiện việc hợp tác này hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, làm sao để các trường nghề (trước mắt là Lilama 2) đào tạo cho các doanh nghiệp và có thể lấy được tiền từ các doanh nghiệp”.

Ông Đặng Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Trường cao đẳng Lê Quý Đôn, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các ngành nghề thuộc lĩnh vực y tế, trong thời gian tới nhà trường định hướng xây dựng vườn thuốc Nam, khu liên hợp thể thao, ký túc xá. Đặc biệt, trường đang hướng tới nâng cấp lên thành trường đại học, xây dựng mô hình khép kín, gồm: trường học - bệnh viện - khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Đồng Nai”.

Các trường: cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi, cao đẳng y tế Đồng Nai cũng đã xin chủ trương để nâng cấp lên thành trường đại học. Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi “bật mí”: “Để sinh viên ra trường có thể hòa nhập ngay với nhịp sống công nghiệp, những năm qua, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được cập nhật theo nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó trường chú trọng tăng chuẩn đầu ra tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm đối với sinh viên. Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trực tiếp đến trường gặp gỡ, tuyển dụng sinh viên về thực tập, làm việc chính thức. Ngoài ra, nhà trường cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mà trước hết là với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản để đào tạo sinh viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động khu vực cũng như quốc tế trong nay mai”

Trong khi đó, theo TS. Lê Văn Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng nghề Lilama 2: “Giai đoạn 2016-2020, chúng tôi sẽ phát triển trường trở thành Viện Thực hành công nghệ miền Nam; xây dựng trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao quốc tế tỉnh Đồng Nai để đào tạo nhân lực cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nâng cấp trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao quốc tế theo tiêu chuẩn của Đức thành trung tâm chất lượng cao khu vực ASEAN do Đức tài trợ. Những bằng cấp được đào tạo tại trường, gồm: đào tạo kỹ sư thực hành, hướng đến thạc sĩ kỹ thuật theo khung bằng cấp của Unesco và châu Âu (EQF)”.

Đánh giá cao nỗ lực và định hướng phát triển trong tương lai của trường nghề trong các chuyến làm việc mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị các sở, ngành liên quan cùng với các trường rà soát lại những điểm mạnh, yếu, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề của các trường. Từ đó có định hướng phát triển, hợp tác, như: đặt hàng đào tạo lao động, cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo hợp lý, có cơ chế và chính sách thỏa đáng giúp các trường nghề phát triển đúng xu thế, định hướng, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho biết: “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và hoan nghênh, đặt niềm tin lớn vào định hướng phát triển của các trường nghề trên địa bàn tỉnh. Kết quả đào tạo mà các trường nghề đã đạt được không chỉ là sự quan tâm của Trung ương, địa phương mà quan trọng là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học viên các trường. Trong thời buổi hiện nay, nếu không có bản lĩnh, trình độ, kiến thức, năng lực, các trường nghề sẽ khó “bơi trong biển lớn” hội nhập. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, các trường cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua thách thức. Tôi cũng rất đồng tình với những đề xuất của các chuyên gia Đức, đặc biệt là vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề. Hy vọng các chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đồng Nai vượt qua khó khăn trong công tác đào tạo nghề”.

Hạnh Dung

 

 


 

Tin xem nhiều