Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp cứu kịp thời đột quỵ do nhồi máu não cấp

06:08, 16/08/2016

Đột quỵ có nhiều nguyên nhân, trong đó có đến 90% do nhồi máu não. Nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cấp máu, thường là do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Những người có nguy cơ bị nhồi máu não khi có các chứng bệnh như: tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, tuổi già.

Đột quỵ có nhiều nguyên nhân, trong đó có đến 90% do nhồi máu não. Nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cấp máu, thường là do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Những người có nguy cơ bị nhồi máu não khi có các chứng bệnh như: tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, tuổi già.

Bác sĩ Mạc Văn Trình trao đổi với bệnh nhân cách phòng ngừa bệnh đột quỵ do nhồi máu não cấp tái phát. Ảnh: A.An
Bác sĩ Mạc Văn Trình trao đổi với bệnh nhân cách phòng ngừa bệnh đột quỵ do nhồi máu não cấp tái phát. Ảnh: A.An

BS.CKI Mạc Văn Trình, Phó khoa Nội tim mạch - lão học Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết những ca đột quỵ do nhồi máu não nhập viện quá trễ thường dẫn đến nhiều tai biến, khó hồi phục, nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, nếu bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong vòng 3 giờ tính từ khi bị đột quỵ thì khả năng cứu sống rất cao, để lại ít di chứng, có trường hợp hồi phục hoàn toàn.

* Thời gian vàng

Cụ thể, như trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ (73 tuổi, ngụ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vừa được các bác sĩ Khoa Nội tim mạch - lão học Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cứu chữa sau khi bị đột quỵ do nhồi máu não cấp. Vào ngày 3-8, bà Mỹ cảm thấy mệt, chóng mặt, đột ngột liệt nửa người bên trái nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp CT, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho bà bằng phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối bằng đường tĩnh mạch.  Hiện tại, sức khỏe bà Mỹ đã trở lại bình thường, tay và chân trái bị yếu liệt đã cử động khá tốt.

Tương tự trường hợp bà Đinh Thị Tươi (53 tuổi, công nhân Công ty TNHH Việt Vinh, huyện Trảng Bom) bị choáng váng, yếu nửa người trong lúc làm việc, nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nên bà cũng thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Bà Tươi cũng được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối và đã hồi phục bình thường. “Đây là lần thứ 2 tôi bị đột quỵ do nhồi máu não. Tôi như được sinh ra lần nữa khi được cứu sống và hồi phục sức khỏe để về tiếp tục đi làm nuôi con ăn học” - bà Tươi chia sẻ.

 Bác sĩ Mạc Văn Trình cho biết đối với người bị đột quỵ do nhồi máu não cấp, trong 3 giờ đầu là thời gian vàng. Vì vậy, hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối chỉ đạt hiệu quả cao đối với những bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não đến sớm và được sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong 3 giờ đầu (tính từ lúc bệnh nhân bị đột quỵ). Lưu ý cần đưa bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt hoặc trước 2 giờ kể từ khi phát bệnh để các bác sĩ cần phải có thời gian cho thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp CT trước khi quyết định điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối.

* Phòng ngừa bệnh tái phát

Bác sĩ Mạc Văn Trình cho biết thêm dấu hiệu nhận biết đột quỵ do nhồi máu não cấp là: choáng váng, nôn; liệt yếu nửa người; nói khó khăn, nhìn khó khăn, đôi khi đau đầu dữ dội... Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay.   

Một trong những sai lầm trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ hiện nay chính là việc cạo gió, chích lể đầu ngón tay, ngón chân... Việc làm này vừa làm mất thời gian vàng trong cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu não cấp, vừa nguy hiểm cho bệnh nhân vì có thể làm bệnh nhân đau đớn, huyết áp tăng cao hơn, gây xuất huyết não nhanh hơn. Do đó, việc đưa bệnh nhân đến sớm rất quan trọng, giúp việc chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội cứu sống bệnh nhân và phục hồi nhanh các triệu chứng thần kinh, ngăn chặn đột quỵ nặng.

Khi bệnh nhân đã bị tổn thương ở mạch máu não thì nguy cơ bệnh đột quỵ do nhồi máu não rất dễ tái phát trở lại. Lần sau có thể nặng hơn. Do đó, để phòng ngừa cơn đột quỵ kế tiếp, theo bác sĩ Mạc Văn Trình, bệnh nhân phải kiểm soát được huyết áp, mỡ nhiễm máu, đường huyết; đi khám bệnh định kỳ và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và tập thể dục cũng rất quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

An An

 

 

Tin xem nhiều