Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện trễ bệnh suy thận mạn: Hậu quả khó lường

02:04, 21/04/2015

Hàng năm tại Khoa lọc máu (thận nhân tạo) Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số bệnh nhân bị suy thận mạn được điều trị lọc máu chu kỳ ngày càng tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh quá trễ.

Hàng năm tại Khoa lọc máu (thận nhân tạo) Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số bệnh nhân bị suy thận mạn được điều trị lọc máu chu kỳ ngày càng tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh quá trễ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng đang khám bệnh cho một bệnh nhân đái tháo đường bị suy thận mạn. Ảnh: N.THƯ
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng đang khám bệnh cho một bệnh nhân đái tháo đường bị suy thận mạn. Ảnh: N.THƯ

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng, Phó khoa lọc máu (thận nhân tạo), cho biết suy thận mạn là hậu quả của các bệnh thận mạn tính đến từ các nguyên nhân, như: đái tháo đường, tăng huyết áp; nhiễm trùng niệu do sỏi thận, u xơ tiền liệt tuyến; lạm dụng thuốc, nhất là thuốc giảm đau Nonsterioid gây độc thận và bệnh thận nguyên phát (hội chứng thận hư, không rõ nguyên nhân).

* Suy thận mạn do đái tháo đường

 Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng, đái tháo đường là nguyên nhân chính chiếm tỷ lệ cao của suy thận mạn giai đoạn cuối hiện nay. Trong số trên 500 bệnh nhân suy thận mạn đang điều trị lọc máu chu kỳ tại bệnh viện thì có đến 40% nguyên nhân do bệnh thận đái tháo đường. Việc sử dụng thường xuyên một số thuốc điều trị đái tháo đường như Metform trên bệnh nhân có bệnh thận từ trước sẽ gây nhiễm toan máu trầm trọng, đồng thời làm suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối nhanh hơn.  

Để biết người bị bệnh đái tháo đường có bị ảnh hưởng đến thận, phải xét nghiệm xem có đạm trong nước tiểu hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể để làm giảm đạm niệu, từ đó làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn. Khi suy thận ở mức độ nặng hơn (giai đoạn 3 trở đi) chỉ định chuyển từ dùng thuốc viên tiểu đường sang chích Insulin là bắt buộc. 

Để làm chậm tiến triển bệnh suy thận mạn, người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định; khống chế huyết áp dưới 13/8 mHg, vì huyết áp càng tăng càng hại thận; sử dụng thuốc ức chế men chuyển Captoril, Lisinopril hoặc thuốc ức chế chủ thể Losartan, Telmisartan để giảm đạm niệu; tránh sử dụng các thuốc độc thận. Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên tập thể dục, vận động, giảm đạm trong ăn uống... 

* Cần phát hiện sớm bệnh suy thận mạn

Theo bác sĩ Hồng, bệnh suy thận mạn có 5 giai đoạn. Ở giai đoạn sớm như giai đoạn 1, giai đoạn 2, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng gì, cũng không gây đau đớn nên thường bị xem là “ít nặng” trong suy nghĩ cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Tuy nhiên, chính giai đoạn này nếu được phát hiện sớm qua các xét nghiệm ure máu, đạm trong nước tiểu, khả năng điều trị bệnh để làm giảm tiến triển đến bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối là rất lớn.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Khoa lọc máu (thận nhân tạo) của bệnh viện đã được Sở Y tế xác định là mũi nhọn trong điều trị bệnh suy thận mạn của tỉnh và cũng là một trong những trung tâm thận nhân tạo lớn của toàn quốc với 66 máy chạy thận. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 520 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, phần lớn chi phí điều trị đều được bảo hiểm y tế thanh toán.

Trên thực tế hiện nay, phần lớn bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 trở đi khi có các triệu chứng: mệt mỏi, ăn không ngon, thiếu máu, tiểu đêm nhiều, chóng mặt. Thậm chí, rất nhiều người chỉ được phát hiện bệnh suy thận mãn ở giai đoạn cuối với các biểu hiện da xanh, tay chân phù, vô niệu, phù phổi, không ăn uống. Ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định lọc máu chu kỳ 3 lần/ tuần. Hiện nay, với phương pháp lọc máu giúp cho bệnh nhân suy mạn tính sống lâu hơn, có thể lên đến 20 năm. Tuy nhiên, việc phải gắn bó, phụ thuộc vào máy lọc thận nhân tạo khiến cho bệnh nhân gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và khó khăn về kinh tế.         

Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh suy thận mạn rất quan trọng, giúp làm chậm và dừng tiến triển nặng của bệnh suy thận mạn. Đối với bệnh đái tháo đường, phải thường xuyên tái khám để sớm phát hiện lượng đạm trong nước tiểu, điều chỉnh thuốc uống phù hợp. Riêng bệnh thận do nhiễm trùng niệu cần điều trị dứt điểm nguyên nhân gây nhiễm trùng, như: sỏi thận cần sớm tán sỏi, mổ lấy sỏi; u xơ tiền liệt tuyến cần phải phẫu thuật... Đặc biệt, bệnh suy thận mạn do hội chứng thận hư thường trở nên nặng hơn do bệnh nhân chủ quan. Do hội chứng thận hư hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, vài ngày sau khi uống thuốc bệnh nhân sẽ giảm ngay triệu chứng, nên người bệnh chủ quan không đi tái khám dẫn đến bệnh hay tái phát, nặng dần dẫn đến suy thận mạn. Vì vậy, bệnh nhân bị hội chứng thận hư phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị bệnh dứt điểm.

Ngọc Thư (ghi)

 

 

 

Tin xem nhiều