Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong phân bổ thẻ bảo hiểm y tế

09:03, 06/03/2014

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người dân muốn được khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế có chuyên môn tốt. Thế nhưng, việc phân bổ BHYT cho các cơ sở y tế hiện nay còn máy móc, bất cập.

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người dân muốn được khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế có chuyên môn tốt. Thế nhưng, việc phân bổ BHYT cho các cơ sở y tế hiện nay còn máy móc, bất cập.

Thực trạng này gây thiệt thòi cho người dân và có sự bất hợp lý giữa các cơ sở y tế khi:  nơi quá tải, chỗ thiếu hụt.

* Bệnh một nơi, thẻ một nẻo 

Ông  Nguyễn Thanh Ng. (69 tuổi, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) có thẻ BHYT ở trạm y tế phường. Thế nhưng với căn bệnh  cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và suy thận, ông không thể thăm khám hay điều trị được ở đây, mà 2 lần/tháng ông phải đến  trạm y tế xin giấy chuyển viện lên Bệnh viện đa khoa Biên Hòa - cách nhà 7km. Từ đây, ông lại mất cả tiếng đồng hồ chầu chực để xin giấy chuyển viện đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất - cách nhà ông chỉ vài trăm mét. “Tôi nghĩ, Nhà nước nên điều chỉnh thế nào để tránh tình trạng người dân phải chạy đôn chạy đáo mỗi khi đi khám bệnh. Nơi nào chữa được bệnh mà gần nhất, thuận tiện nhất cho người bệnh thì đưa thẻ của họ về đấy. Phân thẻ vào nơi không chữa được bệnh như đánh đố người bệnh” - ông Ng. bức xúc.

Bệnh nhân bệnh nặng, mãn tính cần được vào cơ sở có khả năng điều trị. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bệnh nhân bệnh nặng, mãn tính cần được vào cơ sở có khả năng điều trị. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Luật BHYT quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ miễn phí và có thể chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu từ trạm y tế đến bệnh viện tuyến tỉnh. Thực hiện quyền ưu tiên này, nhiều cán bộ xã máy móc khi cho tất cả trẻ trên địa bàn đăng ký vào thẳng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Chị Võ Thị Hòa, ở xã Phú Túc (huyện Định Quán), cho biết con chị được cấp thẻ BHYT miễn phí với cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Cuối tháng 2-2014, chị đưa con đến Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán điều trị. Khi con xuất viện, chị Hòa phải đóng viện phí trái tuyến đến 50%. Sau khi nghe giải thích, chị than thở: “Trẻ dưới 6 tuổi nếu được miễn phí thì không nên phân thẻ theo tuyến. Cháu bệnh nhẹ, tôi đưa đến bệnh viện huyện, nặng thì lên bệnh viện tỉnh. Từ đây lên bệnh viện tỉnh quá xa mà con tôi chỉ bệnh nhẹ, chưa cần phải đi tuyến tỉnh”.

* Nơi quá tải, chỗ thiếu hụt

Đồng Nai hiện có gần 1,7 triệu thẻ BHYT. Số lượng thẻ được phân bổ cho 209 cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) đủ điều kiện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong toàn tỉnh. Theo Sở Y tế, năm 2013 số thẻ phân bổ giữa các cơ sở y tế tuyến huyện ít chênh nhau, nhưng ở TP. Biên Hòa lại có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể như ở tuyến tỉnh, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai: 179.707 thẻ; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: 155.326 thẻ; Bệnh viện đa khoa Thống Nhất 85.079 thẻ; Bệnh viện đa khoa Biên Hòa:  88.620 thẻ, Bệnh viện quốc tế Đồng Nai: 20.044 thẻ; Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước: 4.334 thẻ; Bệnh viện y dược cổ truyền: 1.284 thẻ…

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bức xúc: “Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện hạng I, hiện có 220 bác sĩ. Năm 2013, chúng tôi được phân bổ trên 85 ngàn thẻ. Năm 2014, số thẻ phân bổ giảm còn hơn 55 ngàn thẻ. Người dân tham gia BHYT ai cũng muốn được điều trị ở nơi có chuyên môn tốt, cơ sở vật chất đảm bảo, bệnh viện chúng tôi hoàn toàn có đủ điều kiện này, tại sao lại cắt giảm thẻ? Khống chế người bệnh vào cơ sở điều trị tốt là thiệt thòi cho chính bệnh nhân và làm lãng phí đội ngũ bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị”.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung:

“Sẽ căn cứ vào năng lực của cơ sở y tế (gồm: cơ sở vật chất, số lượng bác sĩ, trang thiết bị…), nhu cầu của bệnh nhân bệnh nặng, vị trí địa lý để phân bổ thẻ”.

Phó giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Lê Ngọc Mai:

“Sẽ phối hợp với ngành y tế để tìm cách thức phân bổ thẻ BHYT hợp lý, trên tinh thần có lợi nhất cho người bệnh”.

Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa Biên Hòa chỉ có hơn 30 bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị nghèo nàn nhưng có đến 88.620 thẻ; Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom  có 27 bác sĩ, nhưng có đến 130.203 thẻ BHYT. Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc bệnh viện này thừa nhận: “Với số thẻ BHYT này, bệnh viện quá tải và phải tăng từ 4 lên 7 bàn khám”.

Từ thực trạng này, một câu hỏi được đặt ra: Có tiêu cực hay không trong phân bổ thẻ BHYT? Tại buổi giám sát triển khai Luật BHYT mới đây của HĐND tỉnh, bác sĩ Lê Quang Ánh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, thẳng thắn: “Nhiều người dân ở gần bệnh viện xin đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện, nhưng BHXH huyện nói bệnh viện đã quá tải và đề nghị người dân đăng ký ở Phòng khám đa khoa N. Trong khi số lượng bác sĩ của bệnh viện nhiều gấp 3-4 lần phòng khám”.

 Phương Liễu

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều