Báo Đồng Nai điện tử
En

Không ai ngoài cuộc (Bài cuối)

08:11, 28/11/2012

Theo nhận định của ngành y tế, nhiều loại dịch bệnh hiện đã biến thể, không còn theo chu kỳ. Vì thế, có khi đã bước qua đỉnh dịch nhưng dịch vẫn phát triển và lây lan với tốc độ cao. Do đó, công tác phòng chống dịch vẫn là vấn đề khá căng thẳng…

Theo nhận định của ngành y tế, nhiều loại dịch bệnh hiện đã biến thể, không còn theo chu kỳ. Vì thế, có khi đã bước qua đỉnh dịch nhưng dịch vẫn phát triển và lây lan với tốc độ cao. Do đó, công tác phòng chống dịch vẫn là vấn đề khá căng thẳng…

Giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh rửa tay sạch, phòng dịch tay chân miệng. Ảnh: P.Liễu
Giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh rửa tay sạch, phòng dịch tay chân miệng. Ảnh: P.Liễu

Thực tế ghi nhận từ công tác phòng dịch tại các địa phương cho thấy vẫn còn tình trạng chống dịch theo hình thức, làm qua loa, đại khái, chỉ vào cuộc khi dịch bùng phát.

* Nên vào cuộc thực chất

Khi được hỏi về công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết đây là nội dung được duy trì thường xuyên trên loa, tờ rơi. Nhưng khi hỏi dân, nhiều người nói họ không hề nhận được tờ rơi nào. Ông Nguyễn  Văn Tú, một người dân ở thị trấn, than thở: “Loa phát thanh của thị trấn có phát, nhưng người dân không nghe được vì tiếng quá rè. Còn tờ rơi thì chẳng ai nhận được. Tui được biết các ông trưởng khu phố lâu lâu cũng được mời họp triển khai phòng chống dịch bệnh, nhưng cán bộ đi rồi về cũng không thấy họp để phổ biến cho bà con. Chợ thì không có nhà vệ sinh, không có cống thoát nước, mỗi lần mưa là ngập lên, hôi thối, cây cối rậm rạp làm nơi ruồi, muỗi trú ẩn… nhưng không thấy chính quyền ra mặt huy động người dân cùng làm thì dịch bệnh nhiều là phải thôi!”.

Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh và diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung, chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp chống dịch ngay tại gia đình, thôn ấp; có biện pháp xử lý kiên quyết đối với địa phương cấp huyện, xã để dịch bệnh SXH và TCM lan rộng, kéo dài; huy động nguồn lực của địa phương hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Huyện Vĩnh Cửu tuy chỉ đứng thứ tư trong tỉnh về số ca mắc với 469 ca tay chân miệng (TCM) và 250 ca sốt xuất huyết (SXH), nhưng tỷ lệ ca mắc/100 ngàn dân thì lại đứng đầu tỉnh. Trong khi đó, cũng có những địa phương, dù là điểm nóng về dịch bệnh nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực, thực chất của chính quyền địa phương, nên dù ca bệnh nhiều nhưng không có tử vong. Cụ thể như huyện Long Thành, hiện đứng thứ ba trong toàn tỉnh với 550 ca SXH và 719 ca TCM nhưng 2 năm nay, chưa có ca nào tử vong. Bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện, cho biết: “Trước tình trạng dịch bệnh bùng phát nhanh trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt bằng cách huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó riêng phòng y tế và trung tâm y tế (TTYT) huyện phải báo cáo tình hình dịch và ca bệnh mỗi ngày.  Mặt khác, huyện hỗ trợ kinh phí cho việc mua hóa chất sát khuẩn, xà phòng, in tờ rơi để phát cho một số trường mầm non và hộ dân có con dưới 6 tuổi. Huyện cũng huy động hệ thống loa đài của huyện, xã tăng cường tuyên truyền phòng bệnh đến các trường học, chợ, các khu nhà trọ công nhân và khu dân cư… Đặc biệt, chúng tôi đưa tiêu chí phòng dịch vào công tác thi đua cuối năm. Nơi nào lơ là trong chống dịch, lãnh đạo nơi đó sẽ bị xử lý”.

* Cần có chế tài đủ mạnh

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: “Để khống chế dịch bệnh, điều quan trọng cần làm ngay là tác động thường xuyên vào nhận thức của người dân để họ chuyển đổi hành vi, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm, trước hết là chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở. Thời gian vừa qua, dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu là do chính quyền địa phương chưa cùng làm với ngành y tế. Sở Y tế sẽ đề nghị với UBND tỉnh xem xét tiêu chí phòng chống dịch bệnh vào công tác thi đua, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi địa phương khi để dịch bệnh lây lan. Ngay trong ngành y tế, chúng tôi cũng sẽ thực hiện việc này qua công tác đánh giá thi đua cuối năm đối với các đơn vị trực thuộc”.

Khám bệnh cho trẻ ở Trạm y tế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).
Khám bệnh cho trẻ ở Trạm y tế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).

Thực tế hiện nay, việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn hầu như mới chỉ tập trung kêu gọi sự tự giác và trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan và người dân mà chưa địa phương nào thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.[links(right)]

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rất cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người dân trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tại Nghị định 69 quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng chống HIV/AIDS do Chính phủ ban hành ngày 8-8-2011, quy định mức phạt hành chính từ 500 ngàn đồng đến 20 triệu đồng đối với những trường hợp không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm trong công tác dự phòng. Song, vì không thực hiện theo luật, nên công tác phòng chống dịch bệnh lâu nay vẫn trông chờ vào trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì thế, tại hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch bệnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Chính phủ cần có chế tài đủ mạnh đối với những địa phương còn lơ là trong công tác phòng dịch... 

* Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm của tỉnh: Sẽ xem xét trách nhiệm đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy xem xét thi đua cuối năm của các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.

* Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế: Các ban chỉ đạo phòng chống dịch của từng huyện, xã, phường, thị trấn phải cùng bắt tay vào cuộc, xây dựng được kế hoạch phòng chống dịch cụ thể, có kiểm tra, giám sát, có báo cáo kịp thời, có biện pháp hỗ trợ kinh phí… Bởi, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn sinh sống chính là phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình.

* Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa: Để khống chế dịch bệnh và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong những tháng cuối năm trên địa bàn Biên Hòa, Ban chỉ đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo các phường, xã tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mới mắc bệnh, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhất là ở các địa bàn trọng điểm có ca bệnh, chợ, trường học, gia đình có trẻ nhỏ, khu vực nhà trọ công nhân…

 

P.Liễu - V.Truyên - H.Dung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều