Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ Biên Hòa có đường sách?

07:10, 01/10/2022

Là đô thị loại I song hiện nay trên địa bàn TP.Biên Hòa chưa có một đường sách để tạo điểm nhấn cho các không gian văn hóa cộng đồng.

Là đô thị loại I song hiện nay trên địa bàn TP.Biên Hòa chưa có một đường sách để tạo điểm nhấn cho các không gian văn hóa cộng đồng.

Một chuyến xe lưu động phục vụ bạn đọc thiếu nhi ở cơ sở của Thư viện tỉnh. Ảnh: L.Na
Một chuyến xe lưu động phục vụ bạn đọc thiếu nhi ở cơ sở của Thư viện tỉnh. Ảnh: L.Na

Xây dựng một đường sách ở Biên Hòa không chỉ là không gian của sách, của người mê sách ngóng đợi mà còn là nơi văn hóa hội tụ. Qua đó, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

* Người dân mong chờ...

Nhiều năm nay, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Thư viện TP.Biên Hòa (trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao thành phố) lại tổ chức gian hàng trưng bày và phục vụ người dân tại đường hoa Nguyễn Văn Trị.

Chị Đỗ Thị Ngọc Dung, phụ trách Thư viện TP.Biên Hòa cho biết, mặc dù hoạt động này diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng thu hút khá đông bạn đọc đến tham quan, đọc các sách, báo và tạp chí. Nhờ vậy, gian hàng sách của thư viện trở thành cái tên quen thuộc trong lòng người yêu sách ở TP.Biên Hòa.

So với các tỉnh, thành phố ở trong khu vực Đông Nam bộ như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… có đường sách, hoạt động quanh năm thì Biên Hòa - Đồng Nai chưa xây dựng được đường sách cố định. Hiện nay, ở các khu vực trung tâm TP.Biên Hòa chỉ có các nhà sách, cửa hàng sách hoạt động. Bên cạnh đó, những “tiệm” sách nhỏ (chủ yếu sách cũ và truyện tranh) nằm rải rác trên một số tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc, Hưng Đạo Vương, Huỳnh Văn Nghệ… đã và đang tiếp tục phục vụ nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân.

Tương tự, đầu năm 2022, Thư viện tỉnh đã tổ chức mô hình thư viện lưu động tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các NXB trong và ngoài tỉnh tổ chức mô hình không gian dành cho sách tại khu vực Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Ở những mô hình này đã diễn ra nhiều hoạt động phục vụ miễn phí cho bạn đọc; mua bán, trao đổi sách và các trò chơi đố vui có thưởng sách dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia.

Không chỉ vậy, Thư viện tỉnh còn phối hợp với NXB Đồng Nai đưa các gian hàng sách về phục vụ lưu động tại các không gian công cộng ở nhiều địa phương như: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Khánh. Các sách được lựa chọn phục vụ lưu động chủ yếu là sách văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT), lịch sử, sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh THCS, THPT. Mặc dù mỗi đợt phục vụ lưu động chỉ từ 3-5 ngày song đây là cơ hội để bạn đọc ở cơ sở được giao lưu, gặp gỡ, tìm và mua những cuốn sách bổ ích, cần thiết cho nhu cầu học tập và giải trí.

Là bạn đọc thân quen của Thư viện TP.Biên Hòa, anh Lê Thanh Hải (ngụ P.Thanh Bình) cho biết, không chỉ anh mà rất nhiều người dân ở Biên Hòa - Đồng Nai kỳ vọng sẽ có một con đường sách đúng nghĩa, không cần lớn như đường sách của TP.HCM mà chỉ ở mức vừa phải. Ở nơi đó sẽ có những “ki-ốt” nhỏ cho các nhà sách, NXB tham gia bán sách mới, cũng như có không gian dành cho người bán sách cũ; không gian để giao lưu tác giả, tác phẩm và cả những gian hàng lưu niệm bán sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai.

“TP.Biên Hòa hiện chưa có đường sách. Nếu xây dựng được một đường sách cố định thì đó quả là điều tuyệt vời, vừa thỏa ước mơ của bao người yêu sách, vừa mang đến không gian sinh hoạt lý tưởng cho người dân và du khách” - anh Hải bộc bạch.

* Cần một đường sách cố định

NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, Hội đã xin chủ trương của tỉnh về tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm VHNT, trong đó có không gian đường sách. Tại không gian này, Hội sẽ tổ chức trưng bày và giới thiệu các sáng tác của văn nghệ sĩ, tổ chức quảng bá tác phẩm thông qua các buổi giao lưu, giới thiệu sách mới. Qua đó, đưa tác phẩm thơ, văn của Đồng Nai đến gần với người Đồng Nai và du khách.

“Nếu như sân khấu cần có nơi để diễn, tác phẩm mỹ thuật có nơi để trưng bày thì tác phẩm văn học cũng cần có một địa chỉ cố định để giới thiệu, quảng bá, tạo sân chơi cho văn nghệ sĩ, hướng đến phục vụ công chúng” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai vào ngày 20-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Đường sách là một sản phẩm cần có ở Biên Hòa - Đồng Nai. Việc xây dựng các không gian văn hóa cộng đồng cần quan tâm thực hiện đường sách, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc. Do đó, Hội VHNT tỉnh cần phối hợp với Sở VH-TTDL, Sở GD-ĐT thúc đẩy, khuyến khích văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ”.

Đường sách cố định là điều mà rất nhiều người dân mong chờ. Nhiều người kỳ vọng với sự hỗ trợ, chung tay từ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, đường sách ở TP.Biên Hòa sẽ sớm được xây dựng, thực sự là điểm hẹn sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

My Ny

Tin xem nhiều