Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm lo văn hóa tinh thần cho nhân dân

07:08, 27/08/2022

Ngày 28-8-1945 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Văn hóa - thông tin, nay là ngành Văn hóa - thể thao du lịch (VH-TTDL).

Ngày 28-8-1945 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Văn hóa - thông tin, nay là ngành Văn hóa - thể thao du lịch (VH-TTDL).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - thể thao du lịch
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - thể thao du lịch. Ảnh: M.Ny

77 năm qua, những thế hệ làm công tác văn hóa ở Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực vươn lên, trưởng thành, kế thừa, phát huy truyền thống nhằm xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

* Quan tâm phát triển văn hóa

Ở Biên Hòa, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ tỉnh rất quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa. Ty Văn hóa - thông tin tỉnh Biên Hòa được thành lập năm 1947, do đồng chí Hoàng Tam Kỳ làm trưởng ty. Trong kháng chiến, Ty Văn hóa - thông tin Biên Hòa có đội ngũ biên tập và nhà in riêng, đồng thời quản lý tờ báo Biên Hòa cùng với tờ Tiếng Rừng của Chi đội 10 - lực lượng vũ trang Biên Hòa.

Trong điều kiện thiếu thốn cả về lương thực, phương tiện, cán bộ, đội ngũ văn nghệ, diễn viên của Ty vừa phục vụ văn nghệ, vừa tham gia sản xuất, thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Ty đã bám sát các sự kiện lớn, chiến thắng lớn của tỉnh (La Ngà, Trảng Bom, Bàu Cá…) tổ chức những cuộc trưng bày triển lãm trong căn cứ, tuyên truyền chống sốt rét, bảo vệ môi trường…, góp phần cổ vũ tinh thần kháng chiến, nâng cao đời sống tinh thần cho quân dân trong căn cứ, quyết tâm kháng chiến thắng lợi.

Chiều 26-8, Sở VH-TTDL đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành VH-TTDL (28-8-1945 - 28-8-2022). Dự họp mặt có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành VH-TTDL. Các đại biểu đã ôn lại truyền thống xây dựng và phát triển của ngành Văn hóa - thông tin (nay là ngành VH-TTDL).

Phát biểu ghi nhận và biểu dương những đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VH-TTDL trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng kỳ vọng thời gian tới, toàn ngành VH-TTDL đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, phát huy trí tuệ, tâm huyết để đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của ngành. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển mạng lưới du lịch theo quy hoạch; có nhiều giải thành tích cao trong thể thao… để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đồng Nai thành lập Ty Văn hóa - thông tin và Ty Thể dục - thể thao. Có thời điểm, 2 Ty này nhập lại thành Sở Văn hóa - thể thao, rồi lại tách ra, để từ năm 2008 trở thành Sở VH-TTDL. Với việc phát huy sức mạnh của quần chúng trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao, ngành VH-TTDL thời gian qua đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Các hoạt động phong phú của ngành tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, từ sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò, vị trí của ngành VH-TTDL ngày càng được khẳng định. Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa VIII) khẳng định văn hóa là mục tiêu, động lực tinh thần của xã hội và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là trọng tâm, đã tạo điều kiện cho ngành có những bước phát triển mới, đạt nhiều thành tựu. Nổi bật như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; đầu tư, kết nối phát triển du lịch…

“Để có được kết quả đó là bởi ngành VH-TTDL được sự quan tâm lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Chính nhờ sự quan tâm đó, ngành đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những cơ chế, chính sách, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tạo điều kiện tốt nhất cho ngành phát triển. Với bề dày lịch sử của ngành, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngành VH-TTDL luôn tâm huyết với công việc của mình. Sự đoàn kết, nỗ lực ấy đã mang đến những kết quả cho ngành nói riêng và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai trong thời gian qua” - bà Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh.

* Nâng cao văn hóa tinh thần cho nhân dân

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động VH-TTDL và gia đình thường xuyên được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện cho người dân, nhất là công nhân lao động trong các công ty, nhà máy… tham gia sinh hoạt, rèn luyện thể dục - thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được xây mới theo đúng tiêu chuẩn nông thôn mới, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp nhân dân.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Đồng Nai được chú trọng. Hiện toàn tỉnh có hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 65 di tích xếp hạng. Trong 8 tháng của năm 2022, ngành Văn hóa đã xin chủ trương của UBND tỉnh tu sửa cấp thiết một số miệng hầm và giao thông hào tại Di tích địa đạo Suối Linh; xây dựng Đề án Số hóa hiện vật tại Bảo tàng tỉnh và số hóa di tích; Đề án Ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Một số công trình đã được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, trở thành điểm đến du lịch, địa chỉ đỏ về nguồn tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Trong xu thế hội nhập hiện nay không thể tránh khỏi văn hóa ngoại lai đi vào đời sống xã hội, nhất là với tỉnh công nghiệp có nhiều doanh nghiệp FDI, nhiều người nước ngoài sinh sống như Đồng Nai. Sự giao thoa của văn hóa vì thế cũng hiện diện trong đời sống xã hội. Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, nhiều chương trình mang tính chất định hướng thẩm mỹ cho các tầng lớp nhân dân nói chung và giới trẻ nói riêng. Qua đó, kết nối quá khứ và hiện tại, lan tỏa những giá trị cốt lõi bằng các hình thức mới, với những sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

My Ny

Tin xem nhiều