Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôn vinh giá trị di sản Đồng Nai

07:07, 23/07/2022

Với truyền thống lịch sử gần 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa - Đồng Nai sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị.

Với truyền thống lịch sử gần 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa - Đồng Nai sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị.

Di tích đình Phước Lư (TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ được thực hiện phim, giới thiệu đến người dân và du khách trong năm 2022. Ảnh: L.Na
Di tích đình Phước Lư (TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ được thực hiện phim, giới thiệu đến người dân và du khách trong năm 2022. Ảnh: L.Na

Đồng Nai thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu, tôn vinh giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, Bảo tàng Đồng Nai sẽ phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai phát sóng chương trình Hành trình di sản với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.

1. Cùng với 2 bảo vật quốc gia: bộ sưu tập Qua đồng Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa, trong năm 2022, Đồng Nai còn lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia với 2 hiện vật: bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa (36 tiêu bản, chất liệu bằng đá) và Tượng nam thần Bến Gỗ (1 hiện vật, chất liệu bằng đá). Trong đó, bộ Đàn đá Bình Đa có niên đại cách nay trên 3 ngàn năm. Việc chế tác, sưu tập bộ đàn đá cho thấy cộng đồng cư dân cổ nơi đây đã nắm vững kỹ thuật chế tác đá, phản ánh trình độ trong kỹ thuật và nghệ thuật chế tác đồ đá trên vùng đất Nam bộ.

TS Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, trong cuốn sách Đồng Nai - Nam bộ và văn hóa phương Đông cho rằng, người cổ Đồng Nai là một trong những cư dân biết thưởng thức âm nhạc ở trình độ nhất định. Di chỉ Bình Đa (TP.Biên Hòa) được khai quật năm 1979 là bằng chứng hùng hồn cho khả năng sáng tạo và sử dụng nhạc cụ truyền thống lúc bấy giờ. Kỹ thuật ghè đẽo tạo nên độ dày mỏng khác nhau đã tạo nên những thanh âm vang khi gõ vào đàn đá. Đây được xem là một trong những loại nhạc cụ cổ của cư dân Đồng Nai - Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.

Trong năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai sẽ phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện chuyên mục Hành trình di sản với nhiều nội dung về giá trị văn hóa phi vật thể, các hiện vật và bộ sưu tập. Trong đó có Qua đồng Long Giao, Đàn đá Bình Đa, Tượng nam thần Bến Gỗ và Gốm mỹ nghệ Biên Hòa…

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã điều tra, thám sát, khai quật nhiều di tích thuộc thời kỳ tiền - sơ sử trên khắp các địa hình, thu thập hàng chục ngàn công cụ sản xuất bằng các chất liệu: đá, gỗ, kim loại và đáng chú ý là đồ gốm. Đồ gốm trong các di tích khảo cổ học thời tiền - sơ sử ở Đồng Nai được làm bằng bàn xoay theo phương pháp dải cuộn tròn kết hợp với bằng tay, thuộc các loại hình đồ đựng sinh hoạt hằng ngày như: nồi, niêu, chén, đĩa, dọi se sợi, bếp lò, chì lưới... Tại di tích khảo cổ học Suối Linh (H.Vĩnh Cửu), các nhà khoa học xác định là công xưởng chế tác công cụ đá và bàn xoa gốm chiếm số lượng khá lớn, có thể được dùng trao đổi với các nơi trong vùng.

Từ cuối thế kỷ XIX, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa phát triển tập trung trên vùng đất thuộc các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh. Sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa rất đa dạng về chất liệu, hình dáng, quy cách, màu sắc, họa tiết và chất men gốm rất riêng, cộng với kỹ thuật nung, chạm khắc đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ cho gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà ngay sau thành công tại cuộc triển lãm quốc tế Paris (Pháp) năm 1925, gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.

2. Là một trong những dân tộc bản địa ở Đồng Nai, người Mạ sống tập trung ở một số địa phương như: Định Quán, Tân Phú. Với những nét đặc trưng văn hóa người Mạ thể hiện trong các phong tục, tập quán, lối sống, cách ăn, mặc… Đặc biệt, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa nhiều màu sắc mang những giá trị truyền thống của đồng bào Mạ. Trong số đó, nổi bật có món canh bồi, đây là món ăn khá phổ biến. Nguyên liệu chính là dùng lá nhàu (rơ nhào) hay lá nhíp thuộc họ dây leo với từng chùm lá có ba nhánh dài nhọn đầu, màu xanh mướt, giã ra và bỏ vào nồi nấu với bột gạo cho sệt.

Một số tiêu bản trong bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa được lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2022
Một số tiêu bản trong bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa được lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2022

Cũng giống như đồng bào Mạ, người Chơro ở Đồng Nai có đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, hiện vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống. Già làng Điểu Liệt, ngụ ở xã Túc Trưng (H.Định Quán), cho biết: “Để gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, hằng năm đồng bào Chơro tổ chức các lễ hội truyền thống như Sayangva. Trong lễ hội, bà con thường biểu diễn cồng chiêng, nấu cơm lam, thịt nướng và rượu cần. Riêng với nghề thủ công, người Chơro chủ yếu đan lát và dệt vải. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số ít gia đình còn giữ được nghề đan lát bằng mây, tre; nghề dệt vải bị mai một dần”.

Tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai rất đa dạng, trong đó có thờ nhân thần đã trở thành phúc thần như: Thiên Hậu, Thánh Mẫu, Quan thánh đế quân, Tổ nghề…, vốn là những người được cộng đồng tôn thờ và dần được dân gian thần thánh hóa. Người Hoa ở Đồng Nai cũng như các dân tộc vẫn còn lưu giữ tín ngưỡng thờ cúng thần nông, thổ công.

3. Cùng với Hành trình di sản, trong năm 2022, Đồng Nai còn thực hiện phim tư liệu, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài tỉnh văn nghệ dân gian dân tộc Tày và phim giới thiệu di tích đình Phước Lư, TP.Biên Hòa. Di tích đình Phước Lư được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2020. Đây là di tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Phước Lư, trấn Biên Hòa xưa (nay là P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Từ khi xây dựng đến nay, đình giữ vai trò là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân.

Di sản văn hóa không chỉ là cốt lõi của bản sắc dân tộc mà còn là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong đời sống hiện đại không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà mà còn góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Ly Na

Tin xem nhiều