Báo Đồng Nai điện tử
En

'Giữ lửa' đờn ca tài tử ở Tân Phú

07:07, 16/07/2022

Dù ở tuổi xế chiều nhưng trót đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), bà Lê Ngọc Ni (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) vẫn luôn dành tình yêu đặc biệt cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Dù ở tuổi xế chiều nhưng trót đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), bà Lê Ngọc Ni (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) vẫn luôn dành tình yêu đặc biệt cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Bà Lê Ngọc Ni tham gia giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ người dân trên địa bàn H.Tân Phú năm 2022
Bà Lê Ngọc Ni tham gia giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ người dân trên địa bàn H.Tân Phú năm 2022

Với giọng ca ngọt ngào, hơn 20 năm qua, bà Ngọc Ni tích cực tham gia các hoạt động phong trào, có nhiều việc làm thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống.

1. Mỗi lần về Tân Phú giao lưu ĐCTT, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai thường dành nhiều lời khen ngợi cho phần trình diễn của tài tử Ngọc Ni. Không chỉ nỗ lực tìm kiếm những bài bản tài tử để luyện tập và biểu diễn, suốt mấy chục năm qua, bà còn góp phần duy trì, phát triển hoạt động của các CLB, đội nhóm văn nghệ ở cơ sở, góp sức phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở H.Tân Phú, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Hỏi tài tử Ngọc Ni, ở tuổi 64, điều gì làm động lực để bà tham gia hầu hết các sân chơi ĐCTT trong và ngoài tỉnh, bà cười hiền chia sẻ: “Bởi yêu thích ca hát, đam mê ĐCTT mà tham gia. Tuy lớn tuổi rồi nhưng tôi không gặp khó khăn trong việc học bài bản mới, do có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị điện tử hiện đại. Tôi cũng không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhiều lúc ca chưa đúng khuôn mẫu, song chỉ cần biết: hò, xự, xang, xê, cống và 20 bài bản tổ…, tôi đã có thể tự tin biểu diễn”.

Tài tử Ngọc Ni hiện là một trong những thành viên kỳ cựu của CLB ĐCTT H.Tân Phú. Từ những năm 1990, bà đã tham gia các sân chơi tài tử, cải lương do huyện, tỉnh tổ chức. Đó cũng là thời điểm bà Ngọc Ni đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Cổ. Nhiều phụ nữ trên địa bàn xã có đam mê ca hát vì thế cũng theo bà học hỏi các bài bản tài tử, cùng bà đi diễn phục vụ bà con ở địa phương.

Tài tử LÊ NGỌC NI sinh năm 1958, quê ở tỉnh Bến Tre. Trong hơn 20 năm hoạt động phong trào, bà đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, đoạt các giải cao trong các hội thi, liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Cùng với các nghệ nhân dân gian, bà có nhiều đóng góp trong truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho người trẻ.

2. Nhiều năm gắn bó với quê hương Tân Phú, bà Ngọc Ni ngày càng thêm yêu mến vùng đất và con người nơi đây. Bà bộc bạch: “Năm 1975, tôi theo gia đình đến H.Tân Phú sinh sống và làm việc. Đây cũng chính là quê hương thứ hai đã giúp tôi biết và đam mê ĐCTT. Từ tình yêu đó, tôi nhận thấy mình cần làm điều gì đó để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Dù sự hiểu biết và khả năng hát tài tử còn hạn chế, nhưng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu có cơ hội là tôi “truyền lửa” đam mê, niềm tự hào về loại hình âm nhạc dân tộc cho con cháu, bạn bè và những người trẻ”.

Không chỉ bà Ngọc Ni, trong gia đình, chồng và 2 con của bà cũng rất mê nghệ thuật tài tử, cải lương.

Ông Lê Văn Hưởng (68 tuổi, chồng của bà Ngọc Ni) là một trong những “tay đờn” có tiếng ở H.Tân Phú, vừa thành thạo nhiều ngón đờn, vừa có thể sáng tác được các bài bản mới. Ngoài tham gia sinh hoạt trong CLB ĐCTT H.Tân Phú, ông bà còn thành lập nhóm nhạc của riêng mình, thường xuyên đi diễn trong các sinh hoạt cộng đồng ở ấp, ở xã… Đó như một cách để ông bà tìm cho mình những niềm vui để sống khỏe, sống có ích.

Theo bà Ngọc Ni, hiện nay ĐCTT đang được “xốc lại”. Chỉ tính riêng ở H.Tân Phú, hiện có khoảng 4 đội, nhóm, CLB đang hoạt động thường xuyên ở các xã: Núi Tượng, Phú Thịnh, Phú Lộc và TT.Tân Phú. “Số lượng người thích hát tài tử, cải lương hiện đã nhiều hơn, nhất là có sự tham gia của một số học sinh, nhưng chủ yếu hát phong trào, còn hát đúng bài bản, đúng chất ĐCTT thì chưa có nhiều. Chính vì thế, tôi cùng các thành viên trong CLB ĐCTT của huyện mong muốn truyền dạy, bồi dưỡng được nhiều hơn những người kế thừa, giữ gìn giá trị, bản sắc của loại hình nghệ thuật này” - bà Ngọc Ni nói.

3. Có cơ hội sống với tình yêu và đam mê với ĐCTT, bà Ngọc Ni không ngừng học hỏi, tìm tòi những cái mới, cái hay và áp dụng để góp phần phát triển và lan tỏa phong trào văn nghệ trong các tầng lớp nhân dân. Hầu hết những bài bản tài tử bà biểu diễn đều lấy cảm hứng từ đời sống lao động sản xuất, về tình yêu gia đình, sự đổi thay của quê hương trong xây dựng nông thôn mới. Những bài ca ấy không chỉ là niềm tự hào của bà và người dân Tân Phú mà còn thôi thúc mọi người ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ly Na

Tin xem nhiều