Xuất phát từ tình yêu và đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, ngày càng có nhiều người tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông.
Xuất phát từ tình yêu và đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, ngày càng có nhiều người tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông.
Sinh viên Khoa Thiết kế nội thất Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang thực hành thiết kế sản phẩm trong giờ học. Ảnh: L.Na |
Đây là việc làm thiết thực góp phần đưa sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến với công chúng bằng những cách thức, diện mạo mới mẻ.
* Làm sống dậy các giá trị xưa cũ
Không phải thợ may chuyên nghiệp nhưng vài năm trở lại đây, gia đình bà Nguyễn Thị Sương (dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) thường xuyên thực hiện các bộ trang phục đồng bào dân tộc Mường. Từ mong muốn giữ lại nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục, bà Sương cùng với các thành viên trong gia đình tự mày mò cắt vải, mô phỏng và may trang phục của đồng bào Mường phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng.
Bà Sương cho biết, ban đầu gia đình bà chỉ may các trang phục của đồng bào Mường để “diện” trong dịp lễ, Tết. Dần dà về sau, bà con trong ấp, trong xã thấy trang phục được cắt may tỉ mỉ, đẹp mắt nên đã đặt hàng may y hệt như bộ trang phục mẫu, rồi giới thiệu nhiều người đến may. Để sản phẩm hoàn thiện hơn, bà và các thành viên trong gia đình tự mày mò tìm hiểu, mô phỏng bộ váy áo Mường để may sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Những thiết kế trên lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng ở Đồng Nai như: gốm truyền thống, thiết kế bao bì sản phẩm... đã và đang tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu. Theo ThS NGUYỄN VĂN PHẨM, giảng viên Khoa Đồ họa Trường cao đẳng Mỹ thuật t rang trí Đồng Nai, việc tạo ra sản phẩm ứng dụng họa tiết, sắc màu truyền thống vào các sản phẩm đương đại nhằm đánh thức khả năng sáng tạo cho người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thực tế của người Việt, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng. |
“Trang phục truyền thống của người Mường mới nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi may mới thấy có nhiều chi tiết phức tạp. Đặc biệt, nếu bộ váy áo sử dụng chất liệu thổ cẩm, với những hoa văn đặc thù, nếu không nghiên cứu kỹ thì rất khó may được đẹp. Việc phối màu trang phục vẫn phải tuân thủ nguyên tắc hoa văn truyền thống của người Mường nhưng phù hợp với tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ hiện nay, nhất là thị hiếu của những người trẻ” - bà Sương chia sẻ.
ThS Nguyễn Đình Sử, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho hay, việc ứng dụng hoa văn của đồng bào dân tộc trong thiết kế thời trang hiện được ứng dụng khá rộng rãi. Trong đó, nổi bật là hoa văn của đồng bào Mường được nhà thiết kế Minh Hạnh (TP.HCM) ứng dụng, sáng tạo những bộ trang phục với màu sắc hoa văn táo bạo, làm toát lên biểu tượng văn hóa dân tộc. Thiết kế của bà Minh Hạnh đưa sản phẩm truyền thống lên một tầm cao mới. Đó không phải là sự kế thừa theo truyền thống đơn thuần mà là sự phối hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại tương đối hóa sự ảnh hưởng của thời trang Âu - Mỹ.
“Bắt nhịp xu hướng hiện đại, các nhà thiết kế trẻ hiện nay vẫn gửi gắm nét văn hóa truyền thống, mang hơi thở bản sắc dân tộc trong mỗi thiết kế của mình. Những chất liệu nguyên gốc truyền thống đã được các nhà thiết kế khéo léo xử lý bằng công nghệ hiện đại làm nên những mẫu trang phục đậm tính dân tộc và phù hợp với cuộc sống hiện đại. Sự pha trộn đó đã đem đến xu hướng thời trang thời thượng, độc đáo cho làng mốt Việt; khẳng định ý thức về văn hóa truyền thống của thời trang trong nước” - ThS Nguyễn Đình Sử bộc bạch.
* Không quên giữ gìn và trao truyền
Cũng với mong muốn giữ gìn, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) đã sáng tác nhiều ca khúc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian. Nổi bật là ca khúc Lòng quê của ông từng đoạt giải C giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020. Bên cạnh đó, mạch nguồn văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai cũng trở thành đề tài xuyên suốt trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn. Có thể kể đến các ca khúc: Đất lành, Nơi tinh hoa hội tụ, Đồng Nai quê tôi... được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh thể hiện thành công.
Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, bằng đam mê và sự trân quý với cải lương, đờn ca tài tử, nhiều giọng ca đang ở độ “chín” với nghề như: Băng Châu, Thành Vinh, Phương Thảo, Sang Sang, Hoài Minh, và ngay cả những nghệ nhân đã bước qua tuổi thất tuần như: Phạm Lơ, Lê Văn Lợi... đã và đang mang đến nhiều câu chuyện đẹp trên sân khấu.
Từ các buổi diễn, các nghệ sĩ, nghệ nhân giới thiệu, lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật đến công chúng. Ở phía khán giả, ngày càng có nhiều người trẻ đến xem cải lương, thưởng thức đờn ca tài tử. Điều này giúp các nghệ nhân an lòng, rằng nghệ thuật truyền thống vẫn luôn được tiếp nối mạch nguồn.
Trong thời đại công nghệ 4.0, không thể bắt buộc tất cả mọi người kéo lại thời gian để trở về với văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhưng nói như nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), rất cần tổ chức những buổi sinh hoạt, thực hành, thưởng lãm để vun xới và làm giàu tâm hồn của người trẻ bằng nghệ thuật, mỹ thuật, cách sống. Thường xuyên tổ chức các lớp trao truyền, bồi dưỡng để họ được cảm và thấm sâu vào đời sống mới. Một khi bắt đầu với tình yêu và trách nhiệm, các thế hệ người Biên Hòa - Đồng Nai sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy, gìn giữ, mang đến sức sống bền bỉ, mãnh liệt cho văn hóa truyền thống.
Ly Na