Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh phê duyệt, hướng tới ưu tiên phát triển một số ngành Công nghiệp văn hóa (CNVH) có tiềm năng, lợi thế… nhằm góp phần khích lệ những người làm văn hóa bắt nhịp với xu thế toàn cầu.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh phê duyệt, hướng tới ưu tiên phát triển một số ngành Công nghiệp văn hóa (CNVH) có tiềm năng, lợi thế… nhằm góp phần khích lệ những người làm văn hóa bắt nhịp với xu thế toàn cầu.
Giáo viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang hướng dẫn sinh viên thực hành sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Ảnh: M.Ny |
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực, CNVH đã và đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ...
* Có chiến lược cụ thể
Trong phát triển CNVH, nếu chỉ dựa vào văn hóa truyền thống sẽ không thực sự phát huy hiệu quả cho sự gia tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
Theo TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, để phát triển CNVH rất cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các mối quan hệ hợp tác, phát triển, nhất là các thiết chế văn hóa đặc sắc trên địa bàn. Chẳng hạn, giữa các điểm đến di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề; hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa. Để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại rất cần đổi mới phương thức khai thác; tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại vừa mang tính mới, tương thích với các giá trị chung, dung hợp văn hóa, ngày càng mở và đa dạng.
Từ góc độ nhà quản lý, TS Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho rằng, hiện nay phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với phát kinh tế - xã hội. Đầu tư và phát triển CNVH là điều tất yếu. Căn cứ vào đặc điểm, lợi thế, Đồng Nai có lợi thế phát triển văn hóa ở một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, du lịch di sản kết hợp ứng dụng công nghệ số. Ngoài hệ thống di sản phong phú, Đồng Nai có Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, có Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật, nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành nghệ thuật. Riêng đối với điện ảnh, Đồng Nai không phải là thế mạnh bởi hệ thống trang thiết bị các rạp chiếu phim quốc doanh hiện nay chưa phát triển so với các rạp tư nhân.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc phát triển kết cấu hạ tầng cho các ngành CNVH vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa nguồn tài nguyên thành sản phẩm văn hóa. Ở các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phát triển ngành điện ảnh, âm nhạc, game trên cơ sở hệ thống ICT (Information Communication Technologies, từ này được hiểu là Công nghệ thông tin và truyền thông). Hệ thống này bảo đảm chất lượng truyền tải, tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường. Việc phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực, gia tăng cách thức tiếp cận đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng trong ngành CNVH.
* Tạo đột phá bằng sức mạnh số
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Đồng Nai thời gian qua được giới chuyên môn đánh giá khởi sắc, tạo được dấu ấn khi đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ đưa nghệ thuật đến với cộng đồng.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho rằng Đồng Nai đã mạnh dạn đổi mới bằng cách ứng dụng công nghệ vào sân khấu cải lương; đồng thời, duy trì hàng trăm buổi live stream trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt xem, bình luận và chia sẻ. Đây là tín hiệu tích cực vừa phát huy các trị văn hóa, vừa tạo dựng thương hiệu nghệ thuật của Đồng Nai.
“Tuy nhiên, để tạo đột phá, nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục được đầu tư, phát triển đồng bộ từ yếu tố hạ tầng đến con người, nhất là các sản phẩm nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, tiếp tục có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn nữa...” - NSND Giang Mạnh Hà nhận định.
Là một trong những mảnh ghép quan trọng, nhiếp ảnh Đồng Nai hôm nay đã và đang góp phần hình thành nên ngành CNVH.
Nghệ sĩ Vũ Duy Thông (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho hay, thời gian qua, nhiếp ảnh đã ứng dụng công nghệ số, quảng bá hình ảnh quê hương đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật, lan tỏa những câu chuyện đẹp vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại không chỉ để tham gia các cuộc thi mà còn nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để “thương mại” hóa sản phẩm. Mỗi tác giả tự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc.
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn, Đồng Nai đã số hóa được hơn 8,5 ngàn hiện vật ở bảo tàng; ứng dụng công nghệ, số hóa 3D cho các bảo vật quốc gia. Việc số hóa là nền tảng quan trọng để phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, trưng bày thường trực bảo tàng, tiến tới xây dựng bảo tàng số, bảo tàng công nghệ trong tương lai.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng website để tạo sự tương tác với công chúng trên nền tảng công nghệ; đồng thời, có kế hoạch thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo tại di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của công chúng, khuyến khích nhu cầu tự trải nghiệm, khám phá cũng như tạo môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Con đường vươn tầm CNVH, định vị sức mạnh mềm văn hóa ở các sản phẩm, dịch vụ vươn ra thế giới của Đồng Nai hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tất cả đòi hỏi sự quyết tâm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị để xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách (ưu đãi về vốn, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, văn nghệ sĩ sáng tạo…) phát triển các ngành CNVH trong thời kỳ mới.
Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu NGUYỄN THỊ DUNG: Phát triển du lịch gắn với văn hóa lễ hội
Huyện Vĩnh Cửu có nhiều tài nguyên, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, trong đó có dòng sông Đồng Nai trải dài xuyên suốt các xã phía Nam của huyện tạo nên những vườn cây trái sum suê, làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, con người sống bên sông hiền hòa, phúc hậu…, đó cũng chính là sản phẩm du lịch. Tháng 12-2016, UBND huyện đã ban hành đề án phát triển du lịch, chú trọng những sản phẩm gắn kết du lịch cộng đồng, du lịch địa phương cũng như kêu gọi đầu tư có kết nối với sản phẩm văn hóa, đặc sản của địa phương. Hiện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã xây dựng xong phương án quản lý rừng bền vững và đang xây dựng đề án phát triển du lịch trình các sở, ngành của tỉnh thẩm định trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Trong đề án của Khu bảo tồn có nhiều dự án gắn kết với hoạt động văn hóa lễ hội nhằm thu hút du khách gần xa.
TS TRƯƠNG ĐỨC CƯỜNG, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Mỹ thuật ứng dụng là một phần của CNVH. Trong chương trình dạy học, ngoài việc gìn giữ bản sắc dân tộc từ thiết kế thời trang, đào tạo gốm, điêu khắc, mỹ thuật, nhiếp ảnh…, nhà trường đẩy mạnh đi thực tế, giúp sinh viên trải nghiệm đồng thời kết nối với các doanh nghiệp. Mặc dù ở Đồng Nai nhu cầu với ngành này chưa nhiều so với TP.HCM nhưng số lượng tuyển sinh hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, sinh viên ra trường đều tìm được việc làm phù hợp, thu nhập tương đối ổn định. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy mới mẻ, hiện đại, có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại để sáng tạo ra các tác phẩm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ sĩ TRẦN TRUNG, công tác tại Nhạc viện TP.HCM: Đầu tư cho sản phẩm âm nhạc chất lượng
Tiềm năng phát triển của công nghiệp âm nhạc của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng là rất lớn, nhất là nhạc số hôm nay không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Bản thân tôi đã ra mắt mini album gồm 4 ca khúc: Vào chùa, Cây trúc xinh, Em đi chùa Hương và Thuyền mộng có sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân tộc, phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music. Để có thể phát triển xứng với tiềm năng, người nghệ sĩ cần đầu tư các sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, nâng cao chất lượng. Hiện nay, có một số sản phẩm âm nhạc khi vươn ra sân chơi nhạc số gặp phải vướng mắc, trong đó có vấn về bản quyền. Thiết nghĩ, việc thực thi vấn đề bản quyền trên không gian mạng là rất quan trọng.
My Ny