Với quy mô dân số hơn 3 triệu người, Đồng Nai là thị trường tiềm năng để phát triển, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH). Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thiếu sự mới lạ, tính ứng dụng nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
[links()]Với quy mô dân số hơn 3 triệu người, Đồng Nai là thị trường tiềm năng để phát triển, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH). Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thiếu sự mới lạ, tính ứng dụng nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Sản phẩm gốm thủ công truyền thống được kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Trong ảnh: Các thợ gốm tại xưởng gốm Hiến Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đang lên màu men cho gốm. Ảnh: L.Na |
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành CNVH, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng, thậm chí có thể xuất khẩu.
* Nhiều khó khăn và thách thức
Mặc dù Đồng Nai đã khai thác sản phẩm trên một số lĩnh vực như: văn hóa du lịch, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, quà tặng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề truyền thống, nhưng chừng đó là quá ít ỏi so với tiềm năng, dư địa rộng mở để phát triển CNVH. Trong hơn 2 năm qua, những tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của các nghề truyền thống, cụm công nghiệp gốm sứ, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng như mô hình kết hợp khai thác di sản văn hóa gắn với du lịch gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Thái Vinh Trịnh Thị Phương Thùy cho biết, từ khi vào hoạt động trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, công ty có vị trí thuận lợi để thực hiện các giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp nguyên vật liệu. Tại đây, doanh nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; việc tuyển dụng công nhân lao động thuận lợi hơn. Các sản phẩm gốm của công ty sản xuất, ngoài tiêu thụ ở khu vực miền Nam, miền Bắc thì phần lớn được xuất khẩu sang thị trường các nước.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có hoàn thiện cơ chế thị trường lĩnh vực văn hóa, thực hiện cơ chế ưu đãi, đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực CNVH. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành CNVH như: công nghiệp, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa, kiến trúc, quảng cáo… Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm, dịch vụ CNVH; khuyến khích các quỹ quy mô vừa và nhỏ trong hoạt động sáng tạo CNVH; đồng thời, tổ chức các sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia, hướng đến tầm cỡ quốc tế. |
“Đặc thù nghề gốm đòi hỏi diện tích mặt bằng rất rộng để làm nhà xưởng, trong khi diện tích hiện tại của công ty vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được chính quyền quan tâm hỗ trợ để mở rộng quy mô, diện tích sản xuất. Việc làm này không chỉ giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động sau đại dịch mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề gốm” - bà Phương Thùy chia sẻ.
Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, bày bán tại các quầy hàng lưu niệm ở Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) của đồng bào dân tộc như: thổ cẩm, chuối hột rừng… chưa tạo được dấu ấn riêng để thu hút du khách.
Chị Ka Tuyền, hướng dẫn viên Vườn quốc gia Cát Tiên thừa nhận: “Sản phẩm lưu niệm thổ cẩm của đồng bào Mạ, S’tiêng về cơ bản chỉ có vải thổ cẩm làm túi xách, áo, váy, ví, dép và gùi. Các sản phẩm này được làm thủ công, chưa ứng dụng công nghệ hiện đại nên thường bị lệ thuộc khá nhiều vào mẫu truyền thống. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm ngày càng cao của du khách”.
Việc nghiên cứu xây dựng và phát huy thương hiệu các sản phẩm như: bưởi Tân Triều, hươu nai Hiếu Liêm, chôm chôm, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững đòi hỏi đầu tư lớn và có chiều sâu. Nguồn lao động làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo cũng ít được chú trọng. Mặc dù một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc ở các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa đã được đầu tư, nhưng để trở thành hoạt động có thể khai thác dưới góc độ CNVH thì còn cả chặng đường dài.
Hoạt động nhiếp ảnh, mỹ thuật của Đồng Nai có nhiều khởi sắc khi nhiều tác giả, tác phẩm vươn tầm quốc tế. Thế nhưng, các sản phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ như: Vũ Duy Thông, Bùi Viết Đồng, Trần Chí Lý, Lâm Văn Cảng… chưa có một không gian văn hóa mở để trưng bày và phục vụ nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật cũng là thách thức không nhỏ đối với phát triển CNVH.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), đã có rất nhiều tác phẩm ảnh nude art, ảnh hoa sen của ông sau khi công bố bị một số nơi tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ.
* Khơi nguồn động lực…
Dưới góc nhìn điện ảnh, đạo diễn Đào Anh Dũng (Hội Điện ảnh TP.HCM) cho rằng: “Đồng Nai phù hợp để phát triển CNVH, bởi đây là vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống với hơn 320 năm hình thành và phát triển, đặc trưng, hệ thống di sản văn hóa, danh thắng khá đồ sộ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài các phim tài liệu về di sản, chưa có nhiều phim truyền hình và cả phim điện ảnh lựa chọn Đồng Nai làm nơi đầu tư. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm những chính sách mở để thu hút các nhà làm phim, bởi không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim”.
PGS-TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) trong cuốn sách Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế cho biết: “Hiện nay, CNVH đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm thành các thành tố sức mạnh mềm hiệu quả trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Dù có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng con đường vươn tầm thương hiệu CNVH, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm, dịch vụ CNVH ra thế giới còn rất khó khăn, và chúng ta chưa có nhiều thương hiệu đủ sức vươn ra, chiếm lĩnh thị trường quốc tế”. |
Điện ảnh là sản phẩm có thể mang giá trị văn hóa, con người vượt biên giới và đem về giá trị kinh tế. Cơ hội đang dần mở ra khi một số dự án phim chọn Đồng Nai thực hiện các cảnh quay. Nổi bật có đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã đến TP.Biên Hòa thực hiện phim Em và Trịnh vào cuối năm 2020. Phim dự kiến khởi chiếu vào cuối năm 2021, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hiện tại phim được dời lịch chiếu đến tháng 6-2022. Nhiều người kỳ vọng, khi bộ phim được công chiếu, những hình ảnh đẹp của Đồng Nai lên phim không chỉ để lại trong lòng người xem sự mến mộ, mà còn tạo được dấu ấn về một vùng đất nhiều tiềm năng, thôi thúc du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Theo PGS-TS Nguyễn Công Hoan, Trưởng bộ môn Du lịch lữ hành, Khoa Du lịch Trường đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM), hiện nay Đồng Nai đang có nhiều lợi thế để phát triển, nhất là văn hóa du lịch. Một trong những tuyến du lịch sẽ bứt phá trong thời gian tới phải kể đến Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch, bởi khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, số lượng khách đến Đồng Nai sẽ tăng. Do vậy, tuyến du lịch này cần phải xây dựng cho mình loại hình sản phẩm độc đáo riêng để giới thiệu với du khách. Trong đó, cần phải khai thác hiệu quả loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và cách mạng với địa đạo Nhơn Trạch, kết hợp khám phá rừng Sác…
“Đồng Nai là một tỉnh có số dân đông, lượng công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều, họ là những du khách dễ dàng chi tiêu cho một số loại hình du lịch mang tính giải trí, khám phá. Để thu hút du khách đến với du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, phát triển CNVH Đồng Nai cần xác định mỗi tuyến du lịch sẽ xây dựng một số loại hình đặc thù, để từ đó đầu tư, quảng bá, xúc tiến trở thành sản phẩm độc đáo mang thương hiệu địa phương và quốc gia. Bên cạnh đó, cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực, các hoạt động vui chơi giải trí để thu hút du khách chi tiêu. Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài” - PGS-TS Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.
My Ny
Bài cuối: Cơ hội cho công nghiệp văn hóa phát triển