Với nguồn tài nguyên phong phú, Đồng Nai có nhiều thế mạnh để phát triển mạnh mẽ ngành Công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả "mỏ vàng" này, Đồng Nai rất cần có thêm những cách tiếp cận mới, những chính sách mới.
Với nguồn tài nguyên phong phú, Đồng Nai có nhiều thế mạnh để phát triển mạnh mẽ ngành Công nghiệp văn hóa (CNVH), tạo ra sức sống mới cho di sản, khai thác tốt vốn văn hóa truyền thống, tôn vinh các nghề thủ công, ẩm thực... Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả “mỏ vàng” này, Đồng Nai rất cần có thêm những cách tiếp cận mới, những chính sách mới nhằm phát triển các ngành CNVH một cách có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện khả năng thực tế, thế mạnh của địa phương.
Bài 1: Văn hóa - ngành công nghiệp quan trọng
CNVH là sự ứng dụng của những tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, đem lại lợi ích kinh tế.
Đờn ca tài tử của Đồng Nai được kỳ vọng sẽ là bộ môn nghệ thuật kết nối, phát triển du lịch văn hóa. Ảnh: L.Na |
* Tiềm năng dồi dào…
Đồng Nai là một vùng đất mở, trong quá trình hình thành và phát triển của mình luôn là nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn. Nhờ vậy, Đồng Nai lưu dấu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng với rất nhiều di tích, di sản văn hóa. Theo thống kê của Sở VH-TTDL, tính đến cuối tháng 3-2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông và 65 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh.
Từ năm 2018, Đồng Nai thực hiện phân cấp quản lý di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn. Từ đó đến nay, toàn tỉnh có 8 di tích được trùng tu tôn tạo (5 di tích quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh) với tổng kinh phí 142 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách, nhiều di tích được đầu tư, phục dựng bằng nguồn xã hội hóa, đảm bảo tính khoa học, nguyên vẹn và chân xác của di tích. Chỉ tính riêng ở Bảo tàng tỉnh, hiện đang lưu giữ hơn 20 ngàn hiện vật quý về khảo cổ học, dân tộc học, động - thực vật, hiện vật cách mạng; trong đó có 2 bảo vật quốc gia Qua đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu Bình Hòa.
Theo Bảo tàng tỉnh, trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho bộ sưu tập đàn đá Bình Đa (36 tiêu bản) và hiện vật tượng Nam thần (chất liệu bằng đá). Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như: nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại. Hằng năm, toàn tỉnh có hơn 350 lễ hội (truyền thống, ngành nghề và văn hóa) được tổ chức, kết nối để phát triển du lịch. Một số di tích là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Chiến khu Đ, núi Chứa Chan...
Cùng với đờn ca tài tử, cải lương cũng là một trong những sản phẩm văn hóa độc đáo. Thời gian qua, Hội đồng Anh (trong dự án Di sản kết nối) đã chọn cải lương của Đồng Nai để thực hiện các phim tư liệu, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Không chỉ dừng lại ở đó, cải lương của Đồng Nai còn tham gia các liên hoan quốc tế; ứng dụng công nghệ 4.0 để làm mới sân khấu, đưa các vở diễn, trích đoạn cải lương phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
Ngoài âm nhạc, mỹ thuật và nhiếp ảnh của tỉnh đã và đang vươn tầm khu vực và quốc tế thông qua việc bán tác phẩm qua một số trang mạng, hoặc tham gia các cuộc thi quốc tế.
Với hơn 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có dồi dào các nguyên vật liệu từ tự nhiên để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống.
TS Lê Quang Cần, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Đồng Nai, cho biết sau khi hình thành, các nghề thủ công dần chuyên môn hóa hoạt động; trong đó nổi bật như: nghề mộc, gốm, dệt chiếu, dệt vải, đúc đồng, làm đá, rèn sắt… Thời điểm hiện tại, nhiều làng nghề đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống. Đặc biệt, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gốm Biên Hòa của các làng nghề không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Mỹ thuật ứng dụng hiện nay đã thâm nhập các lĩnh vực của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển CNVH. Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều có yếu tố thiết kế mỹ thuật.
Theo TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, lĩnh vực này có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển không chỉ của kinh tế, văn hóa mà còn cả du lịch. Bởi vậy, trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực để sinh viên có cơ sở thực tập, từng bước thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên ra trường có cơ hội tìm việc làm…
* Khai thác những “mỏ vàng”
Nhìn từ các quốc gia trên thế giới và các thành phố lớn trong nước đã phát huy được “sức mạnh mềm” văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CNVH đối với kinh tế - xã hội là không có gì phải bàn cãi. Nếu phát triển và khai thác tốt những “mỏ vàng” này thì ngoài việc đóng góp tích cực cho nền kinh tế, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, còn góp phần mang văn hóa Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đến với thế giới.
Hội đồng Anh (trong dự án Di sản kết nối) chụp hình lưu niệm với nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai sau khi ghi hình, giới thiệu cải lương Đồng Nai. Ảnh: L.Na |
Tại Đồng Nai, những năm qua, CNVH là khái niệm khá mới mẻ, ít được đề cập. Tuy nhiên, một số sản phẩm trên lĩnh vực này đã bước đầu có sự đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển du lịch và các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Chỉ tính riêng quý I-2022, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt trên 581 ngàn lượt khách (trong đó hơn 19 ngàn lượt khách quốc tế là những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và hơn 561 ngàn lượt khách nội địa), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 264 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm CNVH được đánh giá cao như: gốm Biên Hòa, hàng thủ công mỹ nghệ ở một số địa phương được đăng ký thương hiệu và tiếp cận thị trường. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đã được sử dụng phục vụ cho hoạt động giao lưu, đối ngoại; hay khai thác hiệu quả một số sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực CNVH như: lễ hội hoa anh đào; giao lưu văn hóa, trải nghiệm vẽ batik truyền thống Indonesia; cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ; hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan. Cùng với đó, nhiều không gian văn hóa công cộng đã được đầu tư, đem lại ấn tượng trong lòng người dân và du khách.
Theo ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, hiện Đồng Nai có nhiều không gian văn hóa công cộng đã được tôn tạo với cảnh quan xanh mát, xung quanh có hồ, có sông được quy hoạch hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng mỹ quan đô thị văn minh. Trong đó, điểm nhấn là không gian phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, xoay quanh trục không gian này có nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra, đưa bờ sông Đồng Nai thành điểm tham quan, thưởng lãm lý tưởng.
Với những cảnh quan, giá trị nội tại riêng có, Đồng Nai có đủ khả năng để khai thác và phát triển tốt các sản phẩm CNVH. Mặc dù chưa thật sự định hình một cách rõ nét và để khai thác dưới góc độ CNVH còn cả chặng đường dài, song rõ ràng những chuyển động của các lĩnh vực cho thấy bóng dáng của CNVH. Hiện Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa và con người Đồng Nai ngày càng trở nên thu hút hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, CNVH được xác định 12 lĩnh vực gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Các sản phẩm này một khi ra khỏi biên giới địa phương, quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, hàng hóa văn hóa thông thường mà còn là biểu tượng, hình ảnh thể hiện “sức mạnh mềm” của văn hóa trong giao lưu và hội nhập quốc tế. |
My Ny
Bài 2: Chưa phát huy tiềm năng, lợi thế