Báo Đồng Nai điện tử
En

Động lực để văn hóa chuyển mình

10:03, 21/03/2022

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa đang là xu hướng tất yếu.

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa đang là xu hướng tất yếu.

Khách tham quan trải nghiệm về di tích, di sản qua phim tài liệu được công chiếu miễn phí tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Khách tham quan trải nghiệm về di tích, di sản qua phim tài liệu được công chiếu miễn phí tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Thực tế cho thấy, liên tục trong 2 năm qua, ngành Văn hóa đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động.

* Chủ động, linh hoạt…

Từ đầu năm đến nay, ngành Văn hóa đã tập trung thực hiện hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai thực hiện các hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Từ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Văn hóa chủ động chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Đối với cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã tiếp nhận 240 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết trước và đúng hạn 225 hồ sơ, chiếm 93,7%; 15 hồ sơ đang trong quá trình thụ lý. Trong đó, có 92% hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các đơn vị trực thuộc Sở đã chủ động đưa thông tin đến với công chúng bằng nhiều hình thức, chú trọng sử dụng mạng xã hội và website của đơn vị. Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kết nối khán giả trong và ngoài tỉnh qua mạng xã hội Facebook, YouTube.

Ngoài ứng dụng công nghệ đưa sách báo, hình ảnh… đến công chúng, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh cũng đẩy mạnh số hóa hàng ngàn tài liệu, tư liệu, hiện vật. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn cho hay, hiện bảo tàng đã số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật. Riêng đối với Tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập Qua đồng Long Giao, trước khi được công nhận bảo vật quốc gia, bảo tàng đã ứng dụng công nghệ, số hóa 3D gửi hồ sơ về Bộ VH-TTDL. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện không gian ảo 360, kết nối bảo tồn di sản với phát triển du lịch.

NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc nhà hát cho biết, thời gian đầu dịch bệnh mới bùng phát và diễn biến phức tạp, nhà hát lựa chọn “giải pháp tình thế” là sử dụng công nghệ 4.0, livestream các chương trình nghệ thuật. Sau 2 năm thực hiện, các chương trình nghệ thuật được công chúng hưởng ứng nhiệt tình, có phản hồi tích cực đã tạo động lực để nhà hát tiếp tục đẩy mạnh kết nối khán giả trực tuyến. Đây là hướng đi đúng đắn, góp phần đánh thức tình yêu của khán giả đối với sân khấu, trong đó có ca múa nhạc, cải lương, đờn ca tài tử, múa rối…

“Ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật cho phép nhà hát đưa sân khấu đến gần với công chúng ngay trên các thiết bị di động có kết nối mạng. Ngoài trang thiết bị, nhà hát sử dụng màn hình Led thiết kế 3D, sử dụng kỹ xảo. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp nhà hát bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống bởi nhiều chương trình nghệ thuật sau khi ghi hình hay phát sóng trực tuyến được lưu trữ lại. Công chúng khán giả có thể xem bất cứ lúc nào, miễn là có thời gian rảnh” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình, với những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các chương trình nghệ thuật phục vụ trực tuyến khán giả trong thời gian qua, trung tâm xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới hoạt động của đơn vị trong thời gian tới. Trong đó, tích cực tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, quảng bá và tiếp cận các tầng lớp nhân dân qua các kênh thông tin, tạo sức lan tỏa.

* Động lực để… chuyển mình

Ngành Văn hóa đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực, song để đạt được những mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số, đòi hỏi các lĩnh vực của ngành phải khắc phục những khó khăn. Bởi ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là cách làm nhất thời, “cầm cự” mà là giải pháp lâu dài, với sự đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ góp phần tạo động lực để văn hóa chuyển mình.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh, chương trình chuyển đổi số thư viện trong thời gian tới sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, đồng bộ; đồng thời, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến, lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng 4.0.

“Ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống thư viện đã và đang từng bước bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại số. Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đang được kỳ vọng sẽ từng bước nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, số hóa tài nguyên thông tin và sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số. Qua đó, hỗ trợ người dân học tập, nghiên cứu tài liệu, giải trí từ xa” - ông Thành nói.       

Ly Na

Tin xem nhiều