Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục các lễ hội, di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần bà con dân tộc thiểu số (DTTS).
Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục các lễ hội, di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần bà con dân tộc thiểu số (DTTS).
Múa Ngày mùa trong lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro ở Đồng Nai. Ảnh: L.Na |
Mới đây nhất, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức luyện tập, tái hiện các nghi lễ truyền thống của dân tộc bản địa ở Đồng Nai để tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây nguyên lần thứ 3-2022.
* Gìn giữ các giá trị văn hóa
Từ đầu năm đến nay, đồng bào Chơro ở xã Túc Trưng (H.Định Quán) háo hức tổ chức luyện tập cồng chiêng và tái hiện các nghi lễ truyền thống trong lễ hội Sayangva chuẩn bị tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây nguyên diễn ra từ ngày 16 đến 19-3. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine đầy đủ đã giúp bà con an tâm.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh TÔN THỊ THANH TÌNH chia sẻ: “Việc tổ chức đoàn tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây nguyên lần thứ 3-2022 tại tỉnh Kon Tum là hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn; không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc của Đồng Nai mà còn góp phần quảng bá, kết nối và phát triển du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong nước và quốc tế”. |
Già làng Điểu Liệt (xã Túc Trưng) cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh khiến cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Chơro tạm ngưng. Khi được mời tham gia liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại tỉnh Kon Tum, bà con rất vui mừng và phấn khởi. Đội cồng chiêng của xã đã tích cực luyện tập, trình diễn lại lễ cúng thần lúa, các sinh hoạt văn hóa dân gian… Đây là việc làm rất quan trọng, nhắc nhở những người trẻ là con em người Chơro nói riêng, các dân tộc nói chung phải biết giữ gìn bản sắc của cha ông để lại”.
Không chỉ ở Túc Trưng mà ở các địa phương trong tỉnh, hiện đồng bào các dân tộc đã và đang tổ chức các lễ hội truyền thống cũng như phong trào văn nghệ, thể dục thể thao sau đại dịch. Tiêu biểu như: khôi phục và tổ chức lễ hội Yangcoi và Yang bơnơm của đồng bào Mạ; lễ hội Sayangva và Sayangbri của đồng bào Chơro; lễ Tả tài phán của người Hoa; lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng; lễ hội Katê của đồng bào Chăm; Tết Chol Chnam Thmay và lễ hội Sen Dolta của đồng bào Kh’mer…
Bên cạnh các lễ hội, thời gian qua, ngành VH-TTDL đã tổ chức nhiều hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS. Tiêu biểu như: Tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu niên dân tộc Chơro ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu); mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho thanh thiếu niên dân tộc Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú); tổ chức ghi hình, chụp ảnh tư liệu của đồng bào Chơro tại TP.Long Khánh và H.Vĩnh Cửu; mở lớp dạy nhạc cụ ngũ âm cho đồng bào Kh’mer tại H.Định Quán…
* Gắn phục dựng, bảo tồn với phát triển du lịch
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân, trong quá trình cộng cư, sự giao thoa giữa các nền văn hóa với nhau cũng đã và đang làm cho nền tảng văn hóa các dân tộc mai một dần. Đứng trước thực trạng ấy, H.Định Quán vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
“So với mặt bằng chung trên địa bàn huyện, đời sống vật chất, đặc biệt là văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS còn những khó khăn và hạn chế. Tuy nhiên, trong nỗ lực phát triển chung của sự nghiệp văn hóa với phát triển du lịch hiện nay, H.Định Quán đã đề ra nhiều giải pháp đưa lễ hội, sản phẩm truyền thống đồng bào DTTS thành sản phẩm du lịch. Trong đó, huyện đã đưa cồng chiêng của người Mạ vào phục vụ khách du lịch tại thác Mai, giới thiệu và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS đến với du khách” - ông Tân chia sẻ.
Để phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS, hiện Bảo tàng tỉnh đã thực hiện các phim tư liệu hấp dẫn, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai và website Bảo tàng tỉnh, mạng xã hội… nhằm tiếp cận được nhiều du khách đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử các DTTS. Từ việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc đã và đang góp phần đưa du khách đến với ngành du lịch của Đồng Nai.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngành
VH-TTDL sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội kết nối để phát triển du lịch; đồng thời, tổ chức các hoạt động liên hoan ca múa nhạc, dân ca, dân vũ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động cụ thể đó, đồng bào DTTS lưu giữ, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau những di sản của tiền nhân để lại”.
Ly Na