Là loại hình nghệ thuật trưng bày ở nơi công cộng, các công trình văn hóa sáng tạo từ nghệ thuật điêu khắc, phù điêu, tượng đài, biểu trưng… ở Đồng Nai thời gian qua được thể hiện trên nhiều chất liệu, kích cỡ khác nhau.
Là loại hình nghệ thuật trưng bày ở nơi công cộng, các công trình văn hóa sáng tạo từ nghệ thuật điêu khắc, phù điêu, tượng đài, biểu trưng… ở Đồng Nai thời gian qua được thể hiện trên nhiều chất liệu, kích cỡ khác nhau.
Học sinh, sinh viên TP.Biên Hòa tham quan, chụp hình lưu niệm tại Tượng đài chiến sĩ đặc công rừng Sác (H.Nhơn Trạch) trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: L.Na |
Các tác phẩm, công trình không chỉ góp phần khắc ghi truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc mà còn mang giá trị khoa học lịch sử, làm đẹp không gian, cảnh quan, tạo dựng bản sắc văn hóa.
1. Ở Đồng Nai hiện nay có 34 công trình tượng đài, chủ yếu là tượng danh nhân, anh hùng dân tộc gắn với các trường học, di tích lịch sử và một số công trình gắn với địa điểm chiến thắng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Vào những dịp lễ, Tết hay ngày kỷ niệm, tại các công trình ghi dấu ấn lịch sử này thường xuyên diễn ra hoạt động dâng hương, tưởng nhớ.
Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Tượng đài chiến sĩ đặc công rừng Sác (xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch); Tượng đài chiến thắng La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán); Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa); Tượng đài Đại đội 240 Biên Hòa (xã Bình Sơn, H.Long Thành); tượng đài liệt sĩ tại di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu)…, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ trẻ.
Đồng Nai hiện nay có các tuyến đường: Nguyễn Du, Bùi Hữu Nghĩa, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Đức Thuật… Các bậc tiền nhân ấy cũng đều có tượng nằm trong khuôn viên thờ tự ở Văn miếu Trấn Biên. Ngoài giá trị tưởng niệm, tượng danh nhân văn hóa và các công trình điêu khắc, tượng đài trên địa bàn tỉnh còn mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, là tài sản vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. |
Những năm gần đây, Đồng Nai thường xuyên tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, các cuộc thi sáng tác biểu trưng. Trong đó, nổi bật là trại điêu khắc đá Ấn tượng Chiến khu Đ tại Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và trại sáng tác điêu khắc đá chủ đề Hào khí Trấn Biên tại công viên Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Hai trại sáng tác này đã quy tụ nhiều nhà điêu khắc đến từ các tỉnh, thành phố, góp phần làm đa dạng, phong phú tác phẩm nghệ thuật.
Là tác giả có tác phẩm điêu khắc trưng bày tại công viên Văn miếu Trấn Biên, anh Trần Đình Thắng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ điêu khắc đều cảm thấy rất vui và tự hào khi có tác phẩm trưng bày tại công viên Văn miếu. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được tạo ra từ sự rung động thẩm mỹ. Khi được trưng bày hài hòa với không gian, kiến trúc xung quanh không chỉ nâng tầm cho tác phẩm mà còn giúp cộng đồng thưởng lãm cái đẹp của cuộc sống”.
Mới đây nhất, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Căn cứ Khu ủy miền Đông (1961-2021). Từ 17 phác thảo của 13 tác giả là họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài tỉnh tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn phác thảo của họa sĩ Đào Tấn Hưng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) để xây dựng mô hình biểu trưng Chiến khu Đ tại ngã ba đường vào 3 khu di tích: Trung ương Cục miền Nam; Khu ủy miền Đông Nam bộ và địa đạo Suối Linh.
2. Trước khi giãn cách xã hội do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có dịp về thăm Tượng đài chiến sĩ đặc công rừng Sác, tìm hiểu văn hóa và lịch sử vùng đất Nhơn Trạch, em Đoàn Lê Trâm (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tượng đài chiến sĩ rừng Sác nằm trong khoảng không gian lớn bao trùm bởi cây xanh bên phải đền thờ liệt sĩ. Đến tượng đài, em hình dung những người chiến sĩ năm xưa đã chịu rất nhiều khó khăn và khổ cực để có thể chiến đấu với quân thù. Tượng đài là minh chứng sống động thể hiện sự kiên trung và lòng dũng cảm của những người chiến sĩ nơi này. Em cảm nhận được sâu sắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha anh đi trước”.
Phối cảnh phác thảo biểu trưng Chiến khu Đ của họa sĩ Đào Tấn Hưng được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ phát huy giá trị văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ |
ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, các công trình văn hóa, điêu khắc, tượng đài… trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành điểm nhấn cho địa phương bởi tính nghệ thuật, mỹ thuật và phản ánh chiều kích của lịch sử ở một thời kỳ, giai đoạn. Đã có nhiều công trình tượng đài gắn với di tích lịch sử được đầu tư, có nhà trưng bày, triển lãm tư liệu trở thành điểm sinh hoạt văn hóa thu hút nhiều người. Tuy nhiên, cũng có những công trình chỉ có một vài hoạt động vào các ngày lễ kỷ niệm, sau đó rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”.
“Để phát huy giá trị các công trình văn hóa một cách hiệu quả, rất cần sự quan tâm và linh hoạt của các địa phương và ngành chức năng. Hiện một số di tích có tượng đài đã được phân cấp quản lý về cơ sở, trong một chừng mực nào đó, khó có thể phát huy tác dụng bởi nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp. Bởi vậy, mỗi địa phương trong chính sách phát triển cần gắn các di tích nói chung, các công trình tượng đài nói riêng trong quảng bá điểm đến với quy hoạch phát triển du lịch. Bên cạnh đó, trong giáo dục về nguồn, rất cần quan tâm đến các hoạt động tuyên truyền đối với giới trẻ thông qua các tổ chức Đoàn, Hội…” - ThS Phan Đình Dũng nói.
Theo các họa sĩ, nhà điêu khắc, để thực hiện tác phẩm điêu khắc, công trình tượng đài rất cần nhiều thời gian và cần có không gian trưng bày, giới thiệu. Do đó, việc hỗ trợ và tạo điều kiện để nghệ sĩ đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng nhằm khuyến khích sự đầu tư sáng tạo là rất cần thiết, qua đó gìn giữ và phát huy giá trị các công trình.
Ly Na