Báo Đồng Nai điện tử
En

Người giữ hồn di sản Biên Hòa - Đồng Nai

10:06, 11/06/2021

Yêu thích nghiên cứu và đam mê sưu tập đồ cổ, anh Lê Hoàng Vũ (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã lưu giữ nhiều đồ cổ có giá trị, đặc biệt là các sản phẩm gốm Biên Hòa xưa.

Yêu thích nghiên cứu và đam mê sưu tập đồ cổ, anh Lê Hoàng Vũ (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã lưu giữ nhiều đồ cổ có giá trị, đặc biệt là các sản phẩm gốm Biên Hòa xưa.

Anh Lê Hoàng Vũ (phải) giới thiệu với khách bộ sưu tập đồ gốm cổ trưng bày tại nhà. Ảnh: L.Na
Anh Lê Hoàng Vũ (phải) giới thiệu với khách bộ sưu tập đồ gốm cổ trưng bày tại nhà. Ảnh: L.Na

Ngoài lưu giữ đồ cổ, anh Vũ còn có tay nghề trong việc trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, đình chùa trên địa bàn tỉnh.

* Cuốn hút bởi gốm Biên Hòa xưa

Căn nhà của anh Lê Hoàng Vũ nằm trên con hẻm nhỏ đường Huỳnh Văn Lũy. Ấn tượng đầu tiên của khách khi đến nhà anh là hình ảnh những tác phẩm nghệ thuật và những món đồ cổ in dấu ấn của thời gian được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Nếu không phải là người có kiến thức lịch sử, am hiểu văn hóa truyền thống, sẽ rất khó có thể thấy hết được vẻ đẹp cũng như giá trị của những đồ cổ, nhất là đồ gốm ở đây.

Vừa rót nước mời khách, anh Vũ vừa kể những câu chuyện lý thú về “gốc tích” của các món đồ cổ và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. “Đây là tượng Phật Di Lặc thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa, hiện hơn 95 năm tuổi. Còn đây là ông Địa Nam bộ thuộc dòng gốm Biên Hòa có tuổi đời gần 150 năm được tôi mua lại trong một chuyến đi sưu tầm hồi năm 2010…” - anh Vũ nói. Dường như, mỗi món đồ cổ được anh trưng bày và giới thiệu trong nhà, món ít tuổi nhất cũng gấp đôi số tuổi của anh.

Anh Lê Hoàng Vũ cho biết, anh tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2011, chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Trước khi theo đuổi nghệ thuật, anh từng làm rất nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Trong đó, có thời gian dài anh làm tại một số công ty gốm sứ ở Đồng Nai, Bình Dương. Tiếp xúc nhiều với gốm đã giúp anh hiểu hơn về các loại gốm, màu men, hoa văn và thời gian ra đời của từng món đồ. Ngoài công việc, anh dành nhiều thời gian rảnh rỗi để đi thực tế, lấy cảm hứng sáng tác, vẽ tranh sơn mài và làm tranh gốm.

“Những chuyến đi thực tế sáng tác, tôi phát hiện nhiều hiện vật cổ bị “bỏ rơi” do không còn “tác dụng” phục vụ nhu cầu của đời sống hiện đại. Tôi cảm thấy nuối tiếc và từ đó nảy ra ý định sưu tầm các món đồ cổ. Hễ ở đâu có món đồ cổ bị bỏ đi, tôi lại mang về cọ rửa sạch sẽ, lưu giữ kỹ càng. Có món đồ tôi mua từ vựa ve chai, hay mua của bà con trong vùng đồng bào dân tộc. Số lượng các món đồ vì thế tăng lên theo thời gian” - anh Vũ chia sẻ.

Hiện anh Vũ có trên 200 hiện vật lớn, nhỏ, chủ yếu là đồ gốm và các đồ dùng sinh hoạt gia đình như: máy quạt, đồng hồ, đèn măng xông, chén đĩa... Do phòng trưng bày của gia đình chật hẹp, anh đã giao hơn 100 món đồ cho người bạn thân ở H.Vĩnh Cửu có cùng đam mê sưu tầm đồ cổ lưu giữ. Anh cho rằng, việc chia sẻ cho bạn bè cùng lưu giữ là cách tốt nhất để bảo quản và phát huy được giá trị văn hóa của hiện vật, giới thiệu rộng hơn gốm Biên Hòa xưa đến cộng đồng.

* Góp phần hồi sinh di sản

Am hiểu nghệ thuật, thiết kế và có kiến thức thực tế về các dòng gốm, anh Vũ dần dà “học” được kỹ thuật trùng tu một cách chuyên nghiệp. Anh được nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh lựa chọn mời tham gia trùng tu, tôn tạo di tích, đình chùa, miếu mạo. Trong đó, công trình mới nhất mà anh vừa hoàn thiện trùng tu, tôn tạo đó là đình Trung Tiết (tọa lạc tại KP.2, P.Quang Vinh).

Vui mừng khi ngôi đình của địa phương được trùng tu, tôn tạo khang trang, ông Đinh Xuân Hoàn, người dân KP.2, P.Quang Vinh chia sẻ: “Đình Trung Tiết vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vừa là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. Bà con chúng tôi rất vui mừng khi ngôi đình xưa trở nên khang trang nhưng vẫn giữ được nhiều yếu tố gốc. Việc tu sửa được thực hiện bằng chính nguồn quỹ của đình và sự đóng góp của bà con. Do đó, mọi người ai nấy đều có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của đình”.

Theo anh Vũ, để trùng tu, tôn tạo một di tích hay một công trình văn hóa không hề đơn giản. Anh đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu về nguồn gốc, thời điểm ra đời, không gian văn hóa, kiến trúc của di sản. Bởi, không phải cứ di tích nào xuống cấp thì tiến hành sửa hoặc xây mới ngay, mà phải đặt nó trong mối tương quan với không gian, lịch sử. Điều này đòi hỏi anh phải không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết về di tích; đồng thời, tiếp cận những phương pháp, kỹ thuật hiện đại.

“Trùng tu, tôn tạo di tích là lĩnh vực khó. Người tham gia công tác này phải đảm bảo yếu tố gốc cũng như chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật…, chỉ sai một chi tiết nhỏ có thể phải làm lại từ đầu. Do đó, đức tính quan trọng nhất của người làm nghề này chính là kiên trì và chịu khó, bởi có những chi tiết yêu cầu sự tỉ mỉ và cần nhiều thời gian. Mỗi lần hoàn thiện một công trình, tôi phát hiện ra nhiều câu chuyện lý thú xung quanh các di tích, hiểu hơn về văn hóa lịch sử của quê hương mình” - anh Vũ bộc bạch.

Ly Na

Tin xem nhiều