Báo Đồng Nai điện tử
En

Trở về với tuổi thơ trong Xóm bờ giậu

10:03, 02/03/2020

Xóm bờ giậu là tác phẩm tuyển chọn 25 truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến (Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, giai đoạn 2015-2020). Các truyện gần gũi, thân thuộc, mang trong mình hình bóng của bao làng quê yêu dấu mà ở đó, những loài vật, đồ vật đều có suy nghĩ, tình cảm, hành động sống động, ngộ nghĩnh, sâu sắc.

Sách Xóm bờ giậu của nhà văn Trần Đức Tiến
Sách Xóm bờ giậu của nhà văn Trần Đức Tiến

Xóm bờ giậu là tác phẩm tuyển chọn 25 truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến (Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, giai đoạn 2015-2020). Các truyện gần gũi, thân thuộc, mang trong mình hình bóng của bao làng quê yêu dấu mà ở đó, những loài vật, đồ vật đều có suy nghĩ, tình cảm, hành động sống động, ngộ nghĩnh, sâu sắc.

Xóm bờ giậu đưa bạn đọc làm quen với những nhân vật rất thú vị: cụ giáo cóc thông thái về hưu, nhạc sĩ trứ danh dế lửa, chú thợ săn nhiều tâm sự thằn lằn, cô người mẫu đáng yêu ốc sên, chuyên gia dự báo thời tiết tắc kè, vận động viên bận bịu nhái xanh, cô nàng điệu đàng hoa cúc áo, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn dế còm… Nhân vật nào cũng dễ thương, cũng sẵn sàng kể cho bạn đọc nghe một câu chuyện hấp dẫn.

Mỗi một truyện trong Xóm bờ giậu như: Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân; Chiếc lông ngỗng trời… mang đến một thông điệp và một bài học nhẹ nhàng, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Chẳng hạn, truyện Vì sao bác rùa đi chậm, nhà văn Trần Đức Tiến lý giải: bác rùa lơ là chủ quan không chịu chuẩn bị trước mùa mưa bão, khi bão đến, không biết trốn chỗ nào, bác nhờ một toán thợ xây chuột làm giúp thật nhanh một cái mái nhà bằng bê tông trên lưng rùa. Dưới mái nhà kiên cố, bác rùa thoát nạn khỏi trận bão khủng khiếp nhưng khi bão tan, đi đâu bác cũng phải cõng theo mái nhà nặng trĩu trên lưng nên đi rất chậm.

Hay truyện Đã về… đã về… kể câu chuyện của tắc kè là một nhân viên làm việc ở đài khí tượng thủy văn, “là chuyên gia dự báo thời tiết trứ danh, tiếng kêu của bác ấy có lúc chẵn, lúc lẻ. Chẵn mưa, thừa nắng”. Tắc kè làm việc trên tỉnh, mỗi khi được về thăm nhà thì rất mừng, từ đầu ngõ đã đánh tiếng cho vợ con biết: “Đã về… đã về…”. Tiếng kêu của tắc kè lúc nửa đêm tuy ồn ào nhưng nên được thông cảm.

Viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến sử dụng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, nhịp điệu. Thiên nhiên tươi đẹp được miêu tả một cách sống động trong Xóm bờ giậu. Ở nhiều truyện, nhà văn còn gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu quê hương xứ sở, đạo lý uống nước nhớ nguồn, về cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, ở những đoạn đối thoại của dế lửa và thằn lằn, chó đốm và mèo mun…độc giả cảm nhận giọng điệu của trẻ con. Nhân vật nào cũng dễ thương, nhân vật nào cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe một câu chuyện hấp dẫn cùng những bài học đối nhân xử thế.

Đọc Xóm bờ giậu, độc giả sẽ phần nào hiểu được tâm nguyện của nhà văn Trần Đức Tiến là luôn mong muốn dành tặng cho trẻ thơ những tác phẩm văn chương đích thực. Thế giới loài vật, cây cỏ tràn trề nhựa sống trong tập truyện cũng được họa sĩ Kim Duẩn dày công tái hiện trong những bức minh họa bằng màu nước ấm áp. Điều này giúp cho bạn đọc vừa thả mình theo từng trang văn, theo từng nét vẽ để biết yêu và trân quý hơn sự sống quanh ta.

Trước Xóm bờ giậu, nhà văn Trần Đức Tiến đã được bạn đọc thiếu nhi yêu quý qua các tác phẩm như: Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa thu, Thằng Cúp, Làm mèo… Tình yêu thương và sự trong trẻo, hồn nhiên của tuổi nhỏ chính là cảm hứng bất tận để ông gắn kết với văn học thiếu nhi. Xóm bờ giậu do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, đoạt giải Sách quốc gia năm 2019.

My Ny

 

Tin xem nhiều