Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ chiếc mũ tai bèo

10:11, 13/11/2019

Hơn 40 năm qua, chiếc mũ tai bèo xanh mướt dung dị mà lừng lẫy một thời đã hòa vào trong màu xanh bát ngát của hòa bình.

Nhớ chiếc mũ tai bèo                                                                         

Ôi chiếc mũ vải mềm

Dễ thương như một bàn tay nhỏ.

 Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành.

Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh.

 Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc

 Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc.

 (Tố Hữu - Bài ca Xuân 68).

Hơn 40 năm qua, chiếc mũ tai bèo xanh mướt dung dị mà lừng lẫy một thời đã hòa vào trong màu xanh bát ngát của hòa bình.

Những năm ấy trong kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh anh giải phóng quân miền Nam Việt Nam với chiếc mũ tai bèo, khẩu súng AK là hình ảnh tượng trưng cho phẩm chất anh hùng, khí phách bất khuất của dân tộc Việt Nam trên tuyến đầu chống quân xâm lược. “Ở đây mũ tai bèo/ Đã thay cho hộ chiếu” (Trần Ninh Hồ).

Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta đội mũ nan tự đan, bọc vải bên ngoài, nhuộm màu chàm, màu xanh lá rừng. Mấy năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), bộ đội đi vào chính quy hóa, quân phục ka-ki và đội mũ cát bằng cây gỗ nhút, một loại gỗ nhẹ và xốp, bọc lưới bên ngoài và có những miếng vải dù nhỏ màu xanh buộc trên các mắt lưới mũ. Cho nên cô gái có người yêu, người chồng là bộ đội mới chăm chút:

Em choàng lưới mũ cho anh

Áo anh em nhuộm màu xanh lá rừng.

(Vợ chuẩn bị hành trang cho chồng vào hỏa tuyến - Xuân  Diệu)

Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiếc mũ tai bèo chưa hoàn toàn phổ biến trong trang phục của bộ đội ta. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Tiếng hát sang xuân cuối năm 1965 viết:

Hỡi người anh Giải phóng quân

Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường

Vẫn đôi dép lội chiến trường

Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy.

Theo một tài liệu, chiếc mũ tai bèo đầu tiên xuất hiện ở một đơn vị võ trang ta trong đêm Đồng Khởi (17-1-1960) ở Bến Tre. Dần dần chiếc mũ vải mềm, màu xanh, vành tròn, có làn sóng giống như những cánh bèo trên sông nước, càng được đông đảo các chiến sĩ giải phóng quân sử dụng.

Đến những năm 1966-1967, chiếc mũ tai bèo “dễ thương như một bàn tay nhỏ”, với nhiều tiện lợi ở một xứ sở nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, trong hoàn cảnh chiến trận cần cơ động, gọn nhẹ, đã được đưa vào hành trang của anh bộ đội Giải phóng. Nó chính thức nằm trong trang phục của Quân giải phóng miền Nam. Và từ đó, chiếc mũ tai bèo cùng đôi dép cao su cũng hiện lên trong thơ, văn, nghệ thuật, gần gũi, giản dị mà đầy tự hào, cao vợi.

Hình ảnh chiếc mũ tai bèo gần gũi nhất đối với tôi là của cậu ruột tôi: Chu Công Hoan. Giữa năm 1966, cậu từ xí nghiệp nơi tỉnh xa được về thăm nhà để lên đường nhập ngũ. Rồi sau đợt huấn luyện chiến sĩ mới, cậu lại được về nghỉ phép ít ngày. Lần này cậu mặc quân phục chỉnh tề, có cả mũ cối lẫn mũ tai bèo. Chú bé 8, 9 tuổi là tôi tung tăng, tíu tít ở bên cạnh cậu những giờ phút hiếm hoi.

 Tôi ướm lên đầu thử chiếc mũ tai bèo mới tinh, xanh mướt, còn thoảng mùi mồ hôi của cậu. Lúc đó tôi không thấy hết được nỗi lo lắng của mẹ tôi, ông bà ngoại tôi, bác tôi, các dì tôi khi người thân yêu nhất của mình đi vào nơi tuyến lửa. Và tôi cũng không biết được rằng đấy là lần cuối cùng tôi được ở bên cậu cùng chiếc mũ tai bèo…

Những năm sau này, nhiều thanh niên ở quê hương tôi và nhiều miền quê khác tiếp tục lên đường ra trận. Sau ngày 30-4-1975, nhiều người đã mang chiếc mũ tai bèo bạc màu chiến trận trở về và nhiều người mãi mãi không về. Nhưng chiếc mũ tai bèo cùng chiến công, sự hy sinh oanh liệt của các anh cho độc lập, tự do của Tổ quốc đã trở thành bất tử, thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, nhân ái, nhân văn.

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều