Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời sống xã hội và chính trị Sài Gòn - Chợ Lớn 1925-1945

09:09, 23/09/2019

Sài Gòn - Chợ Lớn: Đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí 1925-1945 là tên cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Hiệp do Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt độc giả quý III-2019.

Sài Gòn - Chợ Lớn: Đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí 1925-1945 là tên cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Hiệp do Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt độc giả quý III-2019.

Sài Gòn - Chợ Lớn: Đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí 1925-1945 viết về lịch sử, văn hóa, xã hội Sài Gòn - Chợ Lớn thông qua các trang tư liệu cũ từ các tờ báo xuất bản ở Nam kỳ giai đoạn 1925-1945. Vào thời điểm ấy, xã hội Việt Nam đã có những biến chuyển to lớn về nhận thức, tư tưởng chính trị và quyền lợi người Việt dưới thời thuộc địa Pháp. Đời sống kinh tế trong thập niên 1930 hết sức khó khăn ở Sài Gòn, Nam kỳ nói riêng, toàn Đông Dương và thế giới nói chung… Nhiều doanh nghiệp kéo nhau phá sản, hàng hóa ứ đọng, giá xuống thấp vì cung lớn hơn cầu và thất nghiệp lên cao độ. Xã hội có những thay đổi đáng kể về nhận thức trong điều kiện kinh tế biến chuyển nhiều bất trắc cùng với sự ảnh hưởng của văn hóa và các trào lưu tư tưởng từ phương Tây…

Cuốn sách được chia làm 4 chương xếp theo 4 lĩnh vực. Chương 1 với tựa đề Xã hội Sài Gòn và Nam kỳ từ thời kỳ nhận thức đến kinh tế khủng hoảng (1925-1933). Chương này khắc họa đời sống kinh tế - xã hội, vai trò của phụ nữ, giáo dục, tôn giáo, hội đoàn, tệ nạn xã hội… lúc bấy giờ ở Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, Nam kỳ nói chung.

Chương 2 viết về chính trị với tựa đề Từ lập hiến đến tranh đấu nhóm La Lutte (1933-1936). Trong chương này, độc giả sẽ hiểu thêm về nền chính trị sôi động của chế độ thực dân lúc bấy giờ, đặc biệt là những báo viết về Lý Tự Trọng, về nhóm La Lutte…

Chương 3 với tựa đề Đông Dương đại hội và bầu cử Hội đồng quản hạt (1936-1939) khắc họa rõ nét không khí sôi động của Sài Gòn - Chợ Lớn thông qua các kỳ bầu cử.

Chương 4, Sài Gòn và Nam kỳ từ thế chiến thứ hai đến Cách mạng tháng Tám (1939-1945), chứa rất nhiều tư liệu sống động về Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, về việc người Nhật vào Nam kỳ và Cách mạng tháng Tám.

Đây là một cuốn sách, như lời nói đầu của tác giả có mục đích: “Phác họa một hình ảnh về xã hội và chính trị ở Sài Gòn và Nam kỳ từ năm 1925-1945 phần lớn dựa trên những sự kiện, tư liệu, tin tức báo chí thời bấy giờ…”. Cuốn sách là một tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của miền Nam từ năm 1925-1945.

Nguyễn Đức Hiệp là TS y sinh Đại học Sydney. Hiện tác giả là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản, tiểu bang New South Wales (Australia) và là Trưởng nhóm nghiên cứu chất lượng môi trường và biến đổi khí hậu của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Là nhà khoa học về môi trường nhưng tác giả Nguyễn Đức Hiệp luôn đau đáu với lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ông là tác giả nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa trên các tờ báo phổ thông và các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích