Báo Đồng Nai điện tử
En

Với tôi, văn chương phải khiến con người trở nên hướng thiện

10:10, 24/10/2014

Ông là một trong 2 nhà văn của Đồng Nai đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam từ trước đến nay. Nguyễn Trí, ở tuổi gần 60, qua bao thăng trầm, vẫn đang ở độ tuổi sáng tác sung mãn nhất...

Nguyễn Trí được công chúng biết đến lần đầu tiên vào năm 2011, nhưng không phải với vai trò một nhà văn. Câu chuyện riêng tư gây xúc động của ông xuất hiện trên mục Ký sự pháp đình của Báo Tuổi trẻ với hình ảnh một người cha đau đớn vì con gái bị đâm chết oan, nhưng trước tòa lại một mực xin giảm án cho hung thủ - bởi dù trong phút lỡ lầm đã giết con gái ông, nhưng hung thủ cũng là một cô gái trẻ nghèo khó, thất học, lại đang có con nhỏ.

Câu chuyện về lòng nhân ái gây chấn động lòng người qua đi, thì năm 2013, người ta biết đến Nguyễn Trí như một nhà văn đặc biệt khi tỏa sáng ở độ tuổi 58 bằng giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương. Ông là một trong 2 nhà văn của Đồng Nai đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam từ trước đến nay. Nguyễn Trí, ở tuổi gần 60, qua bao thăng trầm, vẫn đang ở độ tuổi sáng tác sung mãn nhất với gần 80 truyện ngắn đã đăng tải, 2 tập truyện ngắn và sắp cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới.

Tôi tự hào là “nhà văn của dân lao động”

* Công chúng biết đến ông như một nhà văn có tiểu sử “gây sửng sốt”. Có phải những quãng đời đầy gian truân khó nhọc đó đã làm ông trở thành một nhà văn, vì ông đã chọn việc viết như là cứu cánh cho những thống khổ của đời mình?

- Thực ra, tôi thích đọc từ những ngày còn nhỏ, thích viết cũng từ lâu. Nhưng tôi thực sự tập trung vào việc viết lách nhiều nhất là sau cái chết của con gái tôi, năm 2009. Tôi bắt đầu gửi truyện ngắn cho nhiều tòa soạn thông qua những địa chỉ email in trên báo, cho đến khi tình cờ gặp được email của nhà văn Hồ Anh Thái.

Cuộc đời riêng của tôi thì nhiều nơi đã viết, tôi cũng không giấu gì. Quê gốc Quảng Bình, sinh ra ở Bình Định, nhưng tôi gắn bó với Đồng Nai đã 30 năm nay, làm đủ thứ nghề để gồng gánh gia đình với 4 đứa con. Đứa thì bị đâm chết, đứa bị tai nạn xe chết, đứa nghiện ma túy ra vào trại liên tục. Có những giai đoạn tôi chỉ biết sống nương nhờ vào rượu và thuốc lá. Nhưng rồi, phải quyết đứng lên vì mình còn con, còn cháu. Tôi viết để giãi bày, viết để giải thoát và viết để cất lên tiếng nói của chính mình về cuộc sống. May mà đến giờ mọi thứ cũng tạm ổn, tôi hài lòng với cuộc đời viết lách giản đơn của mình bên cạnh gia đình.

 * Những nghề nghiệp mà ông trải qua, giúp gì cho những trang viết của ông?

- Hầu như những truyện ngắn của tôi là viết lại những đoạn đời cơ cực mình đã trải qua trong đủ thứ nghề: đào vàng, đồ tể, công nhân, khai thác đá quý - trầm hương, chạy xe ôm, đốt than, chặt củi, giáo viên tiếng Anh cho một trường cấp 2 vùng sâu của Đồng Nai... Tất cả những nghề nghiệp, quãng đời đó cho tôi va chạm thực sự với cuộc sống và con người. Đó là vốn liếng của tôi. Cho đến lúc này, “vốn” vẫn rất nhiều. Điều lớn lao nhất mà tôi rút ra là “chính cái khổ và cái nghèo sẽ làm nhân cách người ta lớn lên một cách không ngờ, nếu họ biết phục thiện”. Rất nhiều người lớn lên trong kiêu hãnh, nhưng nếu thiếu đi sự thấu hiểu người khác, sự kiêu hãnh đó phần nào cũng không còn “thiện” nữa.

* Xuất hiện chưa lâu, nhưng Nguyễn Trí đã được “đóng dấu” như một nhà văn của giới lao động. Ông cảm thấy thế nào về điều này?

- Tôi không thích sự giả tạo. Ở hoàn cảnh của mình, được viết văn, in báo, xuất bản sách, đoạt giải… là những niềm vui quá sức lớn lao, tôi biết ơn điều đó. Từ chỗ 2 bàn tay trắng không có gì, nay tôi có niềm vui sống là văn chương, cho tôi bạn bè, độc giả, một chút tiếng tăm… nên nếu nói “bình thường, chẳng có gì” là giả dối. Tôi vui và tự hào. Nhưng tôi cũng biết, mình chưa là gì để tự mãn, tự mãn có thể giết chết một nhà văn. Tôi cũng chưa có gì nhiều để khoe khoang, Nguyễn Trí vẫn là một người đàn ông nghèo ham viết lách.

Còn nếu xem “dấu ấn” của tôi như là nhà văn của giới lao động, tôi vui. Tôi đã nghèo, và nay vẫn nghèo, tôi sinh sống, viết lách giữa những người lao động, tôi yêu mến họ như họ yêu mến tôi. Nên đó cũng là một niềm tự hào với bản thân tôi. Nếu cất lên tiếng nói của những người lao động cùng khổ nhất mà đánh động được lương tri của người khác, tôi càng vui và có  thêm động lực.

Văn chương phải giúp con người muốn sống tốt hơn

*  Cơ duyên nào khiến Bãi vàng, đá quý, trầm hương đến được với công chúng?

- Kể ra nhiều người không tin, truyện ngắn đầu tiên của tôi được xuất bản một cách rất tình cờ. Một buổi chiều năm 2012, tôi ghé nhà sách Thăng Long trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Hồ Chí Minh), đang thơ thẩn chọn sách thì nghe 2 cậu thanh niên đứng gần trò chuyện. Hai cậu này chắc cũng đang tập tành viết lách nên bàn bạc khá nhiều về các nhà văn Việt Nam hiện thời, và trao đổi nhau vài email của một số nhà văn có quan tâm đến các tác giả mới. Tôi nghe lóm được địa chỉ của nhà văn Hồ Anh Thái, chép cẩn thận vào sổ tay rồi tối về đánh liều gửi truyện cho ông. Tôi cũng không dám hy vọng nhiều sau những lần gửi truyện đến các tòa soạn báo không có hồi âm. Buổi tối tôi viết sẵn ra giấy, sáng đi làm trong xưởng nhuộm, chiều xin về sớm ghé hàng internet gửi email cho nhà văn. Tôi thậm chí còn không biết gửi file đính kèm, mà gõ thẳng vào phần viết email. Tôi còn nhớ đó là câu chuyện có tựa đề Tình cho không. Nhà văn Hồ Anh Thái đã in truyện này trên báo Người đại biểu nhân dân, và sau đó là tờ Tuổi trẻ cuối tuần. Tôi vô cùng hạnh phúc.

Sau đó, tôi tiếp tục gửi truyện cho anh Thái. Anh Thái gửi khắp các báo, rồi tuyển chọn thành Bãi vàng, đá quý, trầm hương. Sau đó, thông qua sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà văn Trần Đức Tiến đã gửi đi dự thi. Rồi năm 2013, Bãi vàng, đá quý, trầm hương đoạt giải. Với tôi là cả một giấc mơ.

* Một ngày của ông diễn ra như thế nào? Giải thưởng có trở thành một áp lực với ông?

- Tôi thức dậy từ 3-4 giờ sáng, ngồi viết lại những gì hôm trước đã nghĩ. 6 giờ phụ vợ dọn hàng cà phê ra bán, cho cháu nội ăn, đưa cháu đến trường rồi đi dạo trong lô cao su gần nhà vài tiếng, vừa đi vừa nghĩ. Trưa ăn chút cơm rồi lại viết, làm việc. Tiền nhuận bút được vợ cóp nhặt mua được chiếc máy tính xách tay nên viết lách không quá cực khổ như trước.

Giải thưởng lớn với một người nghiệp dư, ban đầu cũng là áp lực lớn. Nhưng những trải nghiệm trong đời cũng giúp tôi “quên” nó đi, vì tất cả cũng qua, cái quan trọng là tôi phải đối mặt với những trang viết và cuộc sống hàng ngày. Tôi yêu việc viết, dù ở tuổi này, tôi cũng chẳng ôm mộng gì to lớn, nhất là khi nhu cầu cuộc sống hàng ngày của tôi chỉ gói gọn chừng 20 ngàn đồng.

* Với ông, phẩm chất nào là quan trọng đối với một nhà văn?

Phẩm chất quan trọng của một nhà văn với tôi có thể trình bày ngắn gọn: biết lắng nghe. Những trải nghiệm và thâm nhập cuộc sống sẽ không có nghĩa gì nếu không có sự lắng nghe và thấu hiểu con người. Tránh đi sự tự hào, tự mãn là điều tôi luôn tự nhắc mình. Nhà văn không thể chỉ “biết” đến thơ mình, văn mình. Sự sáng tác là một hành trình cô độc và không ai giúp được ai.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều