Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa

10:11, 24/11/2013

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó có hàng loạt di tích, hiện vật, tập tục văn hóa truyền thống thu hút được sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn cả nước...

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, phải kể đến hàng loạt di tích, hiện vật có giá trị, tập tục văn hóa truyền thống gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được phát hiện, phục dựng và bảo tồn gây chú ý cho dư luận và giới chuyên môn cả nước, như: Thành cổ Biên Hòa, mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp, lễ hội Sayangva của người Chơro...

Khu mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh... Ảnh: V.TRUYÊN
Khu mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh... Ảnh: V.Truyên

Nhiều kết quả khả quan

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, tính đến tháng 10-2013, toàn tỉnh có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình: tự nhiên, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử kháng chiến, danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, 54 di tích đang trong lộ trình đề nghị xếp hạng trong giai đoạn 2012-2020. Bên cạnh đó, còn có khoảng 1.500 di tích phổ thông, 401 căn nhà gỗ truyền thống, trên 40 ngôi mộ cổ...

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: Để phát huy các giá trị của di sản thì ngoài công tác tuyên truyền giáo dục, thực thi các quy định của pháp luật, chúng ta cần quan tâm đến quyền và lợi ích của cộng đồng nơi có di tích, di sản văn hóa hiện hữu. Bởi chỉ khi người dân được hưởng lợi từ các di tích, di sản văn hóa thì khi đó họ sẽ tự có ý thức và cùng chung tay góp phần gìn giữ tài sản quý giá mà ông cha và tạo hóa đã gầy dựng.

Song song đó, các công trình nghiên cứu khoa học về giá trị di sản văn hóa đối với những ngành nghề truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trong tỉnh cũng đã và đang được thực hiện, như: Di sản văn hóa làng Hiệp Phước; nghề thủ công truyền thống Thạnh Phú; nghề nấu mía đường thủ công truyền thống ở Vĩnh Cửu; làng bưởi Tân Triều... Đồng Nai cũng đã thực hiện hàng chục bộ phim và hàng trăm bức ảnh tư liệu về các loại di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống, như: Sayangva của người Chơro, Kỳ yên ở các đình, miễu, lễ đâm trâu của người Mạ...

Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho hay hiện bảo tàng đã xây dựng được bộ sưu tập quý về khảo cổ học, dân tộc học có giá trị cao về mặt khoa học với trên 20 ngàn hiện vật cùng hàng ngàn đầu sách và băng đĩa thuộc nhiều loại hình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Bảo tàng cũng đã hoàn chỉnh hệ thống trưng bày với nhiều chủ đề và sưu tập hiện vật phong phú, độc đáo gồm 14 phòng với các nội dung sinh động, phản ánh diễn trình tự nhiên, lịch sử, văn hóa tỉnh nhà qua các thời kỳ. Nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống Đồng Nai ra các nước, Bảo tàng tỉnh cũng đã đưa 3 hiện vật cổ sang tham dự triển lãm “Nghệ thuật cổ Việt Nam từ châu thổ ra biển lớn” tại Hoa Kỳ và hiện vật Cây thập tự Long Tân được đưa sang trưng bày tại Bảo tàng Ký ức chiến tranh Úc.

Chung tay của cả cộng đồng

Ngoài công tác thống kê, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể thì việc trưng bày, giới thiệu và giúp đồng bào các dân tộc phục dựng lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng rất được Đồng Nai quan tâm. Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết hiện nay ngoài hệ thống trưng bày của Bảo tàng tỉnh, Đồng Nai còn có 11 nhà văn hóa dân tộc, như: Nhà dài của người Chơro (huyện Vĩnh Cửu), Nhà văn hóa của người S’Tiêng (huyện Long Thành)... cùng nhiều trung tâm văn hóa tuyến phường, xã cũng được sử dụng để trưng bày, giới thiệu những nét văn hóa đến với người dân trong tỉnh. Những địa điểm này mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Đồng Nai. “Cũng qua những đợt trưng bày tham quan này, nhiều người dân đã cung cấp những nguồn tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử lớn” - bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thêm.

Cựu binh Úc trao lại kỷ vật của  liệt sĩ Hà Văn Loi cho gia đình tại Bảo tàng Đồng Nai (tháng 8-2013). Ảnh:  S.Thao
Cựu binh Úc trao lại kỷ vật của liệt sĩ Hà Văn Loi cho gia đình tại Bảo tàng Đồng Nai (tháng 8-2013). Ảnh: S.Thao

Từ năm 2009 đến nay, đã có 100 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cộng với nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia và nhân dân đóng góp được sử dụng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích văn hóa. Trong đó, việc huy động nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn đã cho kết quả khả quan. Ông Lê Trí Dũng cho hay, việc trùng tu các di tích, như: chùa Ông (hơn 9 tỷ đồng), mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp (trên 15 tỷ đồng), chùa Đại Giác (2,5 tỷ đồng), miếu Tổ Sư (1 tỷ đồng), chùa Bửu Hưng (1 tỷ đồng)... hay như việc tổ chức các lễ hội: Sayangva ở TX. Long Khánh, lễ hội chùa Ông của cộng đồng người Hoa ở TP.Biên Hòa... đều được nhân dân chủ động nguồn kinh phí để tổ chức chứ không chờ đợi nguồn tiền từ Nhà nước. 

Sông Thao

 Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng tỉnh:

Thời gian qua, không ít các giá trị văn hóa bị mất đi do nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan. Nhiều loại hình di sản văn hóa độc đáo khác đang đứng trước nguy cơ mai một. Để kịp thời sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai một cách có hiệu quả, đồng bộ, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thiết nghĩ cần một yếu tố rất quan trọng là sự hiểu biết và ý thức gìn giữ của người dân - những chủ thể của văn hóa - về vốn di sản mà họ đang kế thừa của thế hệ cha ông.

Thạc sĩ Phan Đình Dũng, Giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh:

Việc vận động các nguồn lực xã hội vào việc trùng tu, xếp hạng di tích là một chủ trương, việc làm rất đúng đắn. Nhưng không nên để ở đâu có nguồn xã hội hóa mạnh thì di tích, di sản văn hóa chưa đúng tiêu chí theo quy định vẫn được ưu tiên xếp hạng trước, còn những di tích, loại hình di sản đáp ứng đủ tiêu chí để xếp hạng, nhưng vì không có kinh phí lập hồ sơ xếp hạng nên chậm được công nhận. Điều này dẫn đến thực trạng là nhiều di tích ở các địa phương bị xâm hại nghiêm trọng, xảy ra tình trạng lấn chiếm di tích, phá hoại và buông lỏng trong công tác quản lý.

 Anh Trần Văn Vĩnh (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa):

Hiện nay, việc tham quan và tìm hiểu các di tích ở Đồng Nai có nhiều thuận lợi hơn, bởi ở những khu vực có di tích hiện hữu đều được gắn bảng chỉ dẫn cụ thể, dễ hiểu. Tuy nhiên, các tour, tuyến kết nối tham quan di tích trong tỉnh vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Bên cạnh đó, các dịch vụ kèm theo, như: ăn uống, quà lưu niệm... hầu như rất ít nơi thực hiện được. Điều này gây lãng phí rất lớn đối với việc khai thác tiềm năng du lịch mà các di tích có thể mang lại. 

Võ Tuyên (ghi)


 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều