Báo Đồng Nai điện tử
En

Tưng bừng Ngày hội văn hóa các dân tộc

03:04, 23/04/2013

Trong 3 ngày 19 - 21/4/2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4/2013. Cộng đồng các dân tộc khắp nơi đã về đây tụ hội, giới thiệu với du khách những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình.

Trong 3 ngày 19 - 21/4/2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4/2013. Cộng đồng các dân tộc khắp nơi đã về đây tụ hội, giới thiệu với du khách những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình.

 

Múa sạp - nét văn hóa của nhiều dân tộc vùng cao.

Bên cạnh những chương trình văn nghệ, dân ca, dân vũ, tái hiện lễ hội, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam diễn ra thường xuyên, một trong những điểm nhấn của Ngày hội văn hóa các dân tộc năm nay là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Bản sắc văn hóa Việt”, diễn ra vào tối ngày 19/4/2013, nhằm giới thiệu một bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Tái hiện cảnh xuống chợ của đồng bào vùng cao.

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng các nghệ nhân, thanh niên đại diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Chương trình đã mang đến cho khán giả những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam. Đó là hình ảnh trống đồng, chim hạc, bánh chưng, bánh giày, những hùng binh Âu Lạc... được tái hiện trong tiết mục “Nhớ về đất Tổ quê ta”. Là tiếng kèn Saranai trong lễ hội Kate của người Chăm, là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với những ánh lửa bập bùng, những vũ điệu quanh cây nêu dưới mái nhà sàn của dân tộc Chơro. Rồi tiếng đờn ca tài tử Nam bộ hay “Lời mẹ ru” mang đến những giấc mơ thật đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn của những con người Việt Nam...
 

Thiếu nữ dân tộc Mường (Hòa Bình) làm đẹp cho nhau.

 

Đến với “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong những ngày này, du khách sẽ được đắm mình trong không khí rộn ràng, náo nhiệt của phiên chợ vùng cao, tham gia những hoạt động văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc... một cơ hội tuyệt vời cho những du khách chưa có dịp được lên vùng cao sẽ được trải nghiệm những hoạt động thú vị tại phiên chợ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phía Bắc, giúp cho du khách hiểu thêm đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam.


 

Giới thiệu cách nấu rượu vùng cao Việt Nam.

 

Ngay từ sáng sớm, tiếng cồng chiêng rộn ràng, những câu hát giao duyên mượt mà đã đưa du khách đến với phiên chợ vùng cao. Ngay từ ngoài cổng chợ, du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như nhảy sạp, hát giao duyên, ném còn, đánh cầu, đu dây... Đi vào sâu bên trong chợ, du khách sẽ được chứng kiến một phiên chợ ồn ào, náo nhiệt mang đặc trưng của vùng miền núi phía Bắc.

 

Chỗ này, người dân mải mê với những sản vật mang về từ các địa phương như rau ngót rừng, rau bò khai, nấm hương rừng, hay bánh gio, bánh trời... những đặc sản của Bắc Kạn, chỗ kia lại thấy đông đảo du khách thích thú với gian hàng thổ cẩm của đồng bào Thái đến từ Sơn La, ở xa xa, rất đông bạn trẻ đang vui vẻ thưởng thức ẩm thực vùng cao bên chảo thắng cố đang bốc khói nghi ngút, hay bên chõ xôi ngũ sắc rực rỡ... Ở một gian hàng khác, du khách lại tìm thấy những sản vật của núi rừng như mật ong rừng, mèn mén Hà Giang, lợn quay Lạng Sơn, rượu ngô men lá... Chỗ nào cũng thấy tấp nập người mua, kẻ bán, rộn ràng, náo nhiệt.


 

Tái hiện cảnh dệt thổ cẩm của dân tộc Mông (Hà Giang) tại chợ.

Theo Ban tổ chức, mô hình phiên chợ vùng cao lần này được lấy từ nguyên mẫu của phiên chợ vùng cao ở Đồng Văn (Hà Giang), với sự tham gia của 8 cộng đồng dân tộc từ 6 tỉnh phía Bắc gồm: Dân tộc Mông, Dao (Hà Giang); dân tộc Tày (Bắc Kạn), Nùng (Lạng Sơn), Mường (Hòa Bình), Thái (Sơn La), Sán Chay, Sán Dìu (Bắc Giang).

BaoTintuc

 

Tin xem nhiều