Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh trong khu vực các di tích, danh thắng: Chưa tìm ra mô hình phù hợp

09:11, 04/11/2011

Khách đi tham quan mỏi chân, khát nước sẽ có ngay nước giải khát phục vụ; muốn mua ít hàng lưu niệm về làm quà thì có ngay quầy sản phẩm lưu niệm... Những dịch vụ tưởng chừng đơn giản, nho nhỏ như trên nhưng nếu khéo kinh doanh sẽ trở thành “mỏ vàng”, nhất là đối với những di tích, danh thắng có đông khách tham quan.

Khách đi tham quan mỏi chân, khát nước sẽ có ngay nước giải khát phục vụ; muốn mua ít hàng lưu niệm về làm quà thì có ngay quầy sản phẩm lưu niệm... Những dịch vụ tưởng chừng đơn giản, nho nhỏ như trên nhưng nếu khéo kinh doanh sẽ trở thành “mỏ vàng”, nhất là đối với những di tích, danh thắng có đông khách tham quan.

Thế nhưng thực tế tại Đồng Nai, việc kinh doanh tại các di tích, danh thắng không phải lúc nào cũng “dễ ăn” như thế!

* Kinh doanh trong di tích: Coi chừng thua!

Năm 2009, di tích Thành Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) được chuyển giao từ Phòng Hậu cần Công an tỉnh về ngành văn hóa - thể thao và du lịch trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Theo ước tính ban đầu, phải cần khoảng 30 tỷ đồng mới có thể trùng tu, tôn tạo lại di tích này. Trong giai đoạn lập dự án trình UBND tỉnh xem xét, Ban Quản lý di tích danh thắng (DTDT) - đơn vị trực tiếp quản lý di tích, đã tiến hành cải tạo sơ bộ, trả lại phần nào vẻ khang trang cho bộ mặt di tích cấp tỉnh. Một trong những hoạt động chỉnh trang đó là thiết kế khu vực trưng bày triển lãm kết hợp với ăn uống, giải khát.

Hội quán Thành Kèn trong khu di tích Thành cổ Biên Hòa vừa hoạt động lại sau khi thay đổi đối tác đầu tư.             Ảnh: Hà Lam
Hội quán Thành Kèn trong khu di tích Thành cổ Biên Hòa vừa hoạt động lại sau khi thay đổi đối tác đầu tư. Ảnh: Hà Lam

Ông Lê Trí Dũng, Trưởng ban Quản lý DTDT tỉnh cho biết, trong tình trạng eo hẹp về mặt tài chính, đơn vị đã linh động hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng khuôn viên có cảnh quan đẹp để thu hút khách. Trong đó, phía doanh nghiệp được mặt bằng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, còn phía Ban Quản lý DTDT được không gian đẹp để trưng bày, triển lãm và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ. Chính tại nơi đây, Hội Di sản văn hóa tỉnh đã ra đời, hội thảo giữa các Ban quý tế đình TP. Biên Hòa và một số triển lãm đã được tổ chức. Mới đây, mô hình Thành Biên Hòa cũng được dựng lên ở khu vực này để lấy ý kiến đóng góp của người dân.

Về mặt tổ chức, xem như Ban Quản lý DTDT đã “thắng” khi các hoạt động trên thành công, như cuộc triển lãm “Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa” đã được người dân Biên Hòa, nhất là học sinh, sinh viên quan tâm. Tuy nhiên, về phía đơn vị khai thác thì không được thuận lợi như thế. Chi phí đầu tư, cải tạo mặt bằng cao nhưng lượng khách không như ý, cộng thêm một số vấn đề trong công tác quản lý đã khiến doanh nghiệp cuối cùng phải bỏ cuộc.

Trước đó, năm 2007 bà Trần Thị Hòa, chủ nhân và là người trực tiếp chăm nom di tích nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP. Biên Hòa) cũng mong muốn có thêm kinh phí để chăm sóc, phục vụ di tích từ việc khai thác dịch vụ ăn uống, giải khát trong khu di tích. Nhưng cố gắng cầm cự được vài tháng, cuối cùng bà Hòa cũng đành phải đóng cửa dịch vụ này dù đã đầu tư vào đó trên 120 triệu đồng.

 * Khó từ nhiều phía

Theo bà Trần Thị Hòa, ngay từ khi trình bày ý định kinh doanh trong khuôn viên di tích để có thêm kinh phí bảo quản, không trông chờ vào nguồn ngân sách, Ban Quản lý DTDT đồng tình, khuyến khích nhưng đồng thời nhắc nhở việc kinh doanh tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến di tích. Chính vì thế, gia đình bà phải đầu tư xây dựng khu kinh doanh dịch vụ riêng biệt bên ngoài, nhưng cũng không được sử dụng vật liệu bê tông mà phải dùng tre, gỗ, ngói cho phù hợp với cảnh quan và kết cấu gốc của di tích. Trong quá trình kinh doanh cũng phải “ý tứ”, không để xảy ra tình trạng khách ăn nhậu say sưa ồn ào trong khuôn viên di tích.

Hiện trên địa bàn tỉnh có vài di tích danh thắng có được nguồn thu tốt từ các hoạt động dịch vụ, như: chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) hàng năm thu trên 1 tỷ đồng; núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) thu 3-4 tỷ đồng/năm từ tiền bán vé, giải khát và đóng góp của khách thập phương. Nhưng các di tích khác thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hoàn toàn không có nguồn thu, chỉ trông cậy vào kinh phí ngân sách.

Ông Lê Trí Dũng cho biết, có một thực tế là hiện nay kinh phí dành cho hoạt động chăm sóc, phục vụ di tích trích từ ngân sách khá thấp, không đủ bù vào các chi phí như nhang đèn, hoa quả, quét dọn vệ sinh, bảo vệ. Vì thế chủ trương của ngành và địa phương vẫn khuyến khích xã hội hóa các hoạt động này.

Theo quy định của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, các di tích được tổ chức các hoạt động dịch vụ, như: ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản phẩm lưu niệm, tổ chức các sự kiện trong ngành. Thế nhưng trên thực tế, việc kinh doanh trong khu vực di tích vẫn còn là vấn đề hết sức “nhạy cảm” và chịu nhiều áp lực. Bất cứ một động thái nào cũng phải “nhìn trước ngó sau” bởi ngại làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích và áp lực từ dư luận.

Vì vậy, Ban Quản lý DTDT thường chỉ khuyến khích các dịch vụ giải khát phục vụ cho khách tham quan, hạn chế việc kinh doanh bia rượu, ăn nhậu cùng một số điều kiện khác, phần nào làm ảnh hưởng đến doanh thu của dịch vụ. “Chúng tôi mong muốn các di tích phát huy được hết giá trị, từ đó đem đến lợi ích kinh tế để có thể tự hoạt động, hạn chế việc bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách. Quả là bài toán khó khi vừa phải bảo vệ kiến trúc, mỹ quan di tích vừa phải có lợi nhuận từ kinh doanh, nhưng chúng tôi vẫn xác định đặt lợi ích của giá trị di tích lên hàng đầu. Vấn đề là phải cố gắng tìm ra mô hình hoạt động phù hợp”, ông Dũng ưu tư nói.              

Nam

 

 


 

 

 

 

Tin xem nhiều