Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều trị cai nghiện bằng Methadone: Một mũi tên trúng nhiều đích

03:09, 05/09/2013

Cả nước hiện có 20 tỉnh, thành với hơn 60 điểm hỗ trợ điều trị cai nghiện bằng Methadone cho hơn 13 ngàn người nghiện heroin. Đồng Nai triển khai dự án điều trị bằng Methadone tuy muộn, nhưng đang mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những người nghiện.

Cả nước hiện có 20 tỉnh, thành với hơn 60 điểm hỗ trợ điều trị cai nghiện bằng Methadone cho hơn 13 ngàn người nghiện heroin. Đồng Nai triển khai dự án điều trị bằng Methadone tuy muộn, nhưng đang mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những người nghiện.

Điều trị bằng Methadone tại một điểm ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Điều trị bằng Methadone tại một điểm ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Anh Tr.T.P., 42 tuổi, ở phường Thanh Bình (TP. Biên Hòa) có “thâm niên” hơn 20 năm nghiện heroin, gần như đã đoạn tuyệt được với ma túy sau khi điều trị bằng Methadone tại một điểm ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh).

* Cơ hội cho người nghiện

Anh P. kể: “Tết rồi, qua một người bạn, tôi được biết đến phương pháp điều trị bằng Methadone. Lúc đó tôi nghĩ, người “lậm” ma túy đến hơn 20 năm với bao lần quyết tâm từ bỏ mà chẳng thể cai được, thì chỉ có “thuốc tiên” mới giúp tôi dứt bỏ được ma túy. Nhưng thấy người bạn điều trị hiệu quả, tôi cũng đến đăng ký.  Chỉ sau nửa năm uống Methadone, tôi thấy sức khỏe mình ổn định. Điều quan trọng là tôi không còn nghĩ tới ma túy nữa, thậm chí nhìn người khác chích heroin, tôi thấy rất dửng dưng. Có điều mỗi sáng sớm, tôi phải chạy về quận 9 để uống thuốc, hơi mất thời gian”.

Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh trong buổi làm việc mới đây với các đơn vị có liên quan về triển khai chương trình Methadone, đã yêu cầu cơ quan chức năng cần  quản lý kỹ đối tượng điều trị, tránh tình trạng người nghiện tìm đến các điểm uống Methadone đơn giản chỉ để giải quyết cơn nghiện do không có tiền mua ma túy.

Theo bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một cơ hội rất lớn cho những người nghiện heroin, cho cả gia đình và xã hội. Bộ Y tế đã khảo sát trên 1 ngàn người được điều trị bằng Methadone, kết quả cho thấy sau 6 tháng điều trị, số người tiếp tục sử dụng heroin chỉ còn 14%, sau 12 tháng còn 9%. Sau 2 năm điều trị, hầu như số người tiếp tục chích heroin chỉ còn chưa tới 4%. Về tần suất sử dụng heroin, trước điều trị, phần lớn đối tượng sử dụng từ 2-3 lần, thậm chí có người dùng đến 5 lần/ngày. Nhưng qua 12 tháng điều trị bằng Methadone, không còn bệnh nhân nào sử dụng quá 2 lần/ngày. Và tần suất này giảm đáng kể sau 24 tháng điều trị, có đến 80% số người nghiện chỉ còn sử dụng 2-3 lần/tháng; số vụ vi phạm pháp luật trong nhóm đối tượng tiêm chích cũng giảm đến 70% do bệnh nhân không còn “bức bối” chuyện kiếm tiền “chơi” thuốc.

Cũng theo kết quả khảo sát, từ chỗ không còn “thiết tha” với heroin, không bị vật vã do “đói thuốc”, sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của phần lớn bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ bệnh nhân  có nguy cơ trầm cảm giảm từ 80% xuống còn 15% sau 12 tháng điều trị. Tỷ lệ người nghiện “phê thuốc” gây án, có quan hệ tình dục không an toàn cũng giảm tích cực. 

* Đỡ gánh nặng cho gia đình và  xã hội

Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, Đồng Nai là địa phương có số người nghiện ma túy cao với 2.391 đối tượng, trong đó 90% số đối tượng đang được quản lý tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh. Mỗi năm, ngân sách tỉnh chi khoảng 12 tỷ đồng cho công tác chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ cai nghiện những đối tượng này, nhưng có đến 80% số người tái nghiện sau khi ra khỏi trung tâm.

Methadone là một loại ma túy hợp pháp (không phải là loại thuốc cai nghiện) dùng để thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như heroin. Tuy là ma túy, nhưng Methadone có ưu điểm là không phải tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong 24 giờ nên mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Methadone cũng không tạo những kích thích, hưng phấn cao như heroin... Người nghiện khi dùng Methadone vẫn có khoái cảm nhưng yếu, nên đây được gọi là phương pháp điều trị thay thế. Khi không còn bị những cơn vật vã, bệnh nhân có thể lao động và sinh hoạt bình thường. Do Methadone dùng bằng cách uống nên không làm lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, Methadone chỉ có tác dụng với những người nghiện heroin, không có tác dụng với người nghiện loại ma túy tổng hợp, như: thuốc lắc, ma túy đá...

Còn theo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy ở Đồng  Nai rất cao, chiếm 70% số người nhiễm ở các nhóm có hành vi nguy cơ, góp phần đưa Đồng Nai  lên hàng thứ 8 trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất nước. Do đó, triển khai điều trị bằng Methadone như một mũi tên trúng nhiều đích: hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình cũng như giảm nguy cơ phạm pháp,  ổn định trật tự an ninh xã hội... Bởi theo đánh giá của Bộ Y tế, sử dụng liệu pháp Methadone rẻ hơn 9 lần so với áp dụng mô hình cai nghiện tập trung. Đối với người nghiện ở Đồng Nai, từ nay đến 2015 sẽ được uống Methadone miễn phí. Sau thời gian này, bệnh nhân sẽ phải trả tiền mua thuốc khoảng 10-15 ngàn đồng/liều/ngày.

Triển khai dự án này, từ nay đến cuối năm, Đồng Nai sẽ thành lập điểm điều trị Methadone đầu tiên đặt tại Trung tâm phòng chống  HIV/AIDS tỉnh, dự kiến có thêm một điểm nữa đặt tại Trạm y tế cũ của phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa). Sang năm 2014, tỉnh sẽ triển khai 2 điểm tại TX. Long Khánh và huyện Long Thành. Đây là những điểm quản lý công tác điều trị, nhưng nguồn thuốc sẽ được đưa xuống các trạm y tế xã, phường để người bệnh không phải đi xa.

Những lưu ý khi điều trị bằng thuốc Methadone

 Chống chỉ định:

Đối với những người dị ứng với Methadone, người bệnh gan nặng, suy hô hấp, hen cấp tính, chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, viêm loét đại tràng, co thắt đường tiết niệu và đường mật, người suy thượng thận, suy giáp, phì đại tuyến tiền liệt, đái tháo đường,... người bị các rối loạn tâm thần.

 Dùng thận trọng: 

Đối với người bệnh nghiện nhiều loại ma túy, người nghiện rượu,  người có tiền sử sử dụng thuốc chống tái nghiện Nantrexone... cần được bác sĩ thường xuyên theo dõi, dò liều, chỉ định liều và đổi liều khi cần thiết.

 Nguyên tắc chung điều trị bằng thuốc Methadone:

- Người bệnh phải tự nguyện tham gia điều trị.

- Liều Methadone phù hợp với từng người bệnh. Bắt đầu với liều thấp, tăng từ từ, duy trì ở liều đạt hiệu quả.

- Điều trị duy trì lâu dài, thời gian điều trị phụ thuộc vào từng người bệnh, thường không dưới 1 năm. Sau đó giảm dần liều và có thể tiến tới ngừng điều trị.

- Kết hợp với tư vấn, hỗ trợ về tâm lý xã hội, các dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế khác.

- Cơ quan chức năng chỉ cung cấp thông tin về người bệnh tới cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu hoặc cho người khác khi được sự đồng ý của người bệnh.

 Nguyên tắc cụ thể:

Đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng quy trình. Người bệnh phải tư vấn trước, trong và sau điều trị. Người bệnh phải đến cơ sở điều trị để uống thuốc Methadone mỗi ngày dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế.

Uyên Uyên (ghi)

 

Phương Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều