Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi điện mặt trời "về" huyện vùng xa

04:03, 09/03/2020

Từ những khó khăn trong quá trình vận động xã hội hóa và thu tiền điện chiếu sáng hằng tháng ở các tuyến đường giao thông nông thôn, một số nơi trên địa bàn H.Xuân Lộc đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Từ những khó khăn trong quá trình vận động xã hội hóa và thu tiền điện chiếu sáng hằng tháng ở các tuyến đường giao thông nông thôn, một số nơi trên địa bàn H.Xuân Lộc đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Tuyến đường lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Lộc
Tuyến đường lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Lộc

Mô hình lắp đèn chiếu sáng công cộng bằng điện năng lượng mặt trời nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân.

* Điện mặt trời chiếu sáng đường quê

Đường Mã Vôi - Bưng Cần, ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc khi trời nhá nhem tối thì hệ thống đèn được bật sáng. Tuyến đường dài 2km và cứ 30m lại có một đèn chiếu sáng. Điểm độc đáo của các trụ đèn này là không phải kết nối với hệ thống đường lưới điện quốc gia, đèn có thể sáng suốt đêm, ngay cả khi bị cúp điện, người dân được đi lại an toàn và thuận tiện mà không phải đóng tiền sử dụng điện hằng tháng.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường ấp đúng chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Hòa Bình cho biết, tuyến đường này được huyện đầu tư công trình đèn chiếu sáng lần đầu năm 2017. Thời gian đầu, người dân đóng tiền đều đặn hằng tháng. Nhưng càng về sau, việc thu tiền càng khó. Không chỉ tiền điện, việc vận động người dân đóng tiền để thay bóng đèn hư hỏng, tu sửa các trụ điện gãy đổ cũng gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế này, ông Hiền tìm hiểu rồi đem ý tưởng lắp đặt đèn năng lượng mặt trời trình bày với ban ấp và chính quyền xã. Ông Hiền cẩn thận làm mô hình tuyến đường sử dụng đèn năng lượng mặt trời kết hợp trồng hoa rồi so sánh với tuyến đường hiện tại trình chiếu lên màn hình lớn cho bà con xem khiến ai cũng hào hứng ủng hộ.

Khi triển khai thực tế, ông Hiền chia ấp thành các cụm, mỗi cụm bầu ra cụm trưởng, ông cùng từng cụm trưởng họp với các hộ dân để tìm ra phương án chung nhất theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Đối với đảng viên, cán bộ ấp, các hộ kinh tế khá giả, ông vận động ủng hộ thêm. Nhờ đó, từ tháng 6-2019 đến nay, người dân ấp Hòa Bình không phải đóng tiền điện chiếu sáng đường. Mỗi tháng một lần, ông Hiền cho người kiểm tra kỹ thuật các bóng đèn, trường hợp bóng hỏng, không sáng ông gọi công ty đến thay thế bóng mới. “Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện mô hình này ở các tuyến đường khác, hoàn toàn do người dân và các mạnh thường quân đóng góp” - ông Hiền nói.

* Nhân rộng mô hình tiết kiệm điện

Vài năm trở lại đây, phong trào xây dựng các tổ tự quản về an ninh trật tự, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, xây dựng tổ nhân dân kiểu mẫu về phát triển kinh tế, an ninh trật tự và an toàn xã hội được chính quyền và nhân dân H.Xuân Lộc quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.

Là thành viên tích cực đóng tiền và trực tiếp tham gia làm các trụ điện năng lượng mặt trời, ông Nguyễn Phi Cảnh (ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa) cho rằng, bản thân ông rất ủng hộ chủ trương xây dựng đường nông thôn sạch đẹp, an toàn. Công trình điện năng lượng mặt trời đã góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm điện, giữ gìn tài sản chung của người dân. Hiện tại, hằng ngày, ông Cảnh đảm nhận việc bơm nước tưới cho công trình đường hoa liên ấp. Ngoài ra, ông Cảnh còn tham gia với ban ấp nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia tổ hòa giải của ấp.

Tại xã Xuân Định, mô hình đèn đường năng lượng mặt trời đã được triển khai ở 5 tuyến đường với chiều dài khoảng 5km theo hình thức xã hội hóa, người dân đóng góp 50%, huyện hỗ trợ 50%. Hiện tại, UBND xã đang vận động nhân dân đóng góp để triển khai mô hình này ở 5 tuyến đường khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Chủ tịch UBND xã Xuân Định cho biết, địa phương được chọn là điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có nhiều hạng mục, nhiều công công trình cần đầu tư, nâng cấp, do đó, chính quyền phải cùng với người dân tính toán để chọn ra phương án tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất. Đối với tiêu chí đường giao thông cũng vậy. Theo bà Liên, về cơ bản người dân trên địa bàn xã đồng tình cao với dự án điện năng lượng mặt trời.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, một số nơi trên địa bàn huyện đã và đang triển khai mô hình lắp điện mặt trời ở các tuyến đường giao thông nông thôn theo hình thức xã hội hóa chính quyền và nhân dân cùng làm hoặc các ban ấp tự vận động làm. Điển hình là các xã Bảo Hòa, Xuân Định. Bên cạnh đó, bà con nhân dân cũng tích cực tham gia xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu đáp ứng tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư kiểu mẫu cho nông thôn mới kiểu mẫu.       

Đèn năng lượng mặt trời là loại đèn hấp thụ ánh sáng mặt trời phát sáng. Theo đó, ánh sáng mặt trời được các tấm pin lưu trữ và đèn sẽ tự động bật sáng vào giờ được cài đặt. Việc lắp đèn chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời ở các vùng nông thôn có nhiều nắng giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông. Một ưu điểm khác của đèn năng lượng mặt trời là hạn chế được tình trạng mưa gió lớn làm đứt dây, gãy cột, đèn hoạt động bình thường khi xảy ra sự cố mất điện. Mô hình này đang được khuyến khích nhân rộng tại huyện nông thôn mới kiểu mẫu Xuân Lộc. Chi phí để lắp đặt 1km đèn năng lượng mặt trời khoảng 60 triệu đồng.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích