Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ vướng về nhãn hiệu cho đặc sản địa phương

04:03, 18/03/2020

Huyện Trảng Bom là địa phương có nhiều cây trồng chủ lực. Thời gian qua, nhiều tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã chú trọng xây dựng nhãn hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nhưng đến nay, nhiều sản phẩm vẫn chưa được chứng nhận.

Huyện Trảng Bom là địa phương có nhiều cây trồng chủ lực. Thời gian qua, nhiều tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã chú trọng xây dựng nhãn hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nhưng đến nay, nhiều sản phẩm vẫn chưa được chứng nhận.

Sản phẩm cây trồng chủ lực của H.Trảng Bom chưa được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa
Sản phẩm cây trồng chủ lực của H.Trảng Bom chưa được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: H.Lộc

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

* Tìm giá trị cho nông sản

Huyện Trảng Bom có nhiều loại cây trồng chủ lực như: chuối, điều, ca cao, bưởi, thanh long với diện tích và sản lượng đứng hàng đầu của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp địa phương chủ yếu bán cho thương lái, một số đã sơ chế, chế biến nhưng còn dưới dạng nguyên liệu thô nên ít có sản phẩm có nhãn hàng, thương hiệu.

Theo Phòng Kinh tế H.Trảng Bom, chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đang được địa phương đẩy mạnh có thể được xem là "bệ đỡ" cho mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Sản phẩm OCOP phải đáp ứng tiêu chí là các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản địa phương; có tính độc đáo, có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, nhưng nhiều sản phẩm vẫn chưa được bảo hộ.

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn cho rằng, H.Trảng Bom có diện tích cây điều lớn nhất nhì tỉnh, chất lượng điều được người dùng đánh giá cao. Nhưng tên gọi “điều An Viễn” hay “điều Trảng Bom” chưa được nhận diện. Không phát triển được chế biến, không xây dựng được thương hiệu, nông dân Trảng Bom năm này qua năm khác vẫn bán cho thương lái.

Giám đốc HTX Bưởi Trường Phát Lầu Sy Sương cho rằng, mô hình trồng bưởi sạch ban đầu được nhiều nông dân hưởng ứng, tuy nhiên, do quá trình làm thủ tục chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhãn hàng tập thể cho bưởi da xanh Bàu Hàm gặp nhiều khó khăn nên cả nông dân, HTX đều “nản”.

 “Bưởi da xanh Bàu Hàm hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước, một số được tuyển chọn xuất khẩu, tuy nhiên lại mang nhãn mác của một đơn vị khác. Chúng tôi là HTX, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền về kho bãi, trụ sở, giấy tờ pháp lý và quảng bá sản phẩm đến người dùng” - ông Sương cho hay.

Bên cạnh việc sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn, xây dựng nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết nếu muốn sản phẩm vào được các thị trường lớn, bền vững. Thế nhưng, hiện tại, việc làm thủ tục bảo hộ cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản vẫn còn những rào cản.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho rằng hằng tháng, đơn vị phải bỏ nhiều thời gian, tiền bạc làm các xét nghiệm, chứng chỉ liên quan đến chất đất, nguồn nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. “Trước đây, chuối Trảng Bom cũng được chứng nhận VietGAP, sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng phải “mượn” tên đơn vị trung gian. Khi ngừng hợp tác, chứng nhận VietGAP không còn, tên “mượn” cũng mất” - ông Hùng cho hay.

* Gỡ khó về nhãn hàng hóa

Từ năm 2016, Đồng Nai triển khai chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Mục tiêu của chương trình là đến cuối năm 2020 có khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp... Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu riêng cho nông sản ở H.Trảng Bom vẫn còn nhiều rào cản.

Theo đại diện của các đơn vị kinh tế tập thể, vấn đề vướng mắc hiện nay là xây dựng thương hiệu; chi phí để tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu, vốn đầu tư cho sản xuất. Quá trình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mất nhiều thời gian.

Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, tính đến thời điểm hiện tại 4 sản phẩm nông nghiệp địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, 24 sản phẩm đang trong quá trình chờ. Một số loại cây trồng chủ lực của địa phương như: chuối, ca cao, điều chưa được công nhận mã hàng hóa do đa phần các tổ hợp tác, HTX ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà chưa liên kết theo chuỗi. Chẳng hạn như điều, HTX đứng ra hợp đồng với doanh nghiệp thu mua, đến mùa, doanh nghiệp thu mua của người dân đưa đi nơi khác chế biến.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đăng ký tư cách pháp nhân để làm chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP của ngành nông nghiệp; phối hợp với Sở KH-CN hỗ trợ các đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” - ông Trường cho hay.

Chương trình sẽ góp phần phát triển sản phẩm bao gồm cả xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại... Trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, địa phương sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư kho, xưởng bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản ngay tại vùng sản xuất.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích