Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi sò huyết dưới tán rừng ngập mặn

04:02, 05/02/2020

Với tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt hơn 1,9 ngàn hécta, trong đó, diện tích mặt nước lợ chiếm hơn 1,8 ngàn hécta, huyện Nhơn Trạch có nhiều lợi thế phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Với tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt hơn 1,9 ngàn hécta, trong đó, diện tích mặt nước lợ chiếm hơn 1,8 ngàn hécta, huyện Nhơn Trạch có nhiều lợi thế phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Nông dân thu hoạch sò huyết thủ công tại xã Phước An. Ảnh:H.Lộc
Nông dân thu hoạch sò huyết thủ công tại xã Phước An. Ảnh:H.Lộc

 Vài năm trở lại đây, hoạt động nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện phát triển mạnh với nhiều mô hình, trong đó có nuôi sò huyết dưới tán cây rừng tại xã Phước An. Mô hình này được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, giúp giữ đất phù sa, giữ rừng ngập mặn.

* Giữ gìn và phát huy lợi thế tự nhiên

Vùng nước lợ xã Phước An từ lâu đã được người dân tận dụng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do nuôi theo hình thức quảng canh, quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vài năm trở lại đây, theo quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của huyện, nhiều diện tích đất trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả, đất mặt nước chưa được khai thác... đã được người dân tận dụng hình thành nên các khu vực nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, sò huyết, hàu. Trong đó, khá mới mẻ là mô hình nuôi sò huyết dưới tán cây rừng do người dân tận dụng các bãi bồi, nơi tiếp giáp giữa lòng sông với rừng ngập mặn để nuôi sò.

Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch cho rằng, việc tận dụng bãi bồi ven rừng ngập mặn nuôi sò huyết không những không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, diện tích rừng ngập mặn hiện hữu mà còn góp phần giữ đất, giữ rừng.

Ông Thành giải thích, trước khi thả sò, người nuôi quây lớp lưới cao khoảng 20-30cm, lưới này vừa có tác dụng giữ sò, vừa góp phần giữ phù sa, hạn chế xói mòn và thay đổi dòng chảy. Việc hình thành các mô hình nuôi đặc sản tự nhiên là lợi thế để phát triển tour du lịch sinh thái rừng. Khách đến đây vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm các trò chơi sông nước, vừa được thưởng thức đặc sản thiên nhiên. Đây là mô hình mà Ban Quản lý rừng đã có đề án và đang mời gọi các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Thành, việc phối hợp giữ gìn và khai thác lợi thế rừng ngập mặn thông qua phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái sẽ giúp cho Nhà nước tăng nguồn thu để tái đầu tư cho công tác bảo vệ, trồng rừng; giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, du lịch và thương mại cho địa phương.

Để phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, huyện Nhơn Trạch đã đầu tư nhiều công trình đường giao thông, điện cho các vùng sản xuất; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh mở rộng vùng nuôi trồng, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, khai thác diện tích mặt nước hiện có. Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn mở rộng diện tích, đầu tư cho chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

* Thêm sinh kế cho người dân

Ông Đỗ Xuân Hòa, Trưởng Câu lạc bộ nuôi sò huyết xã Phước An, người có thâm niên nuôi sò lâu nhất tại xã cho biết, nuôi sò không khó, nhưng giống sò phải đảm bảo. “Quan trọng nhất là chất lượng giống. Từ năm nay, câu lạc bộ sẽ đứng ra hợp đồng cung cấp giống cho các thành viên, như vậy chất lượng giống sẽ đồng đều và đảm bảo hơn so với việc mạnh ai người đó mua như trước đây. Tương lai, tôi dự định mua sò nhỏ về nuôi một thời gian rồi bán giống lại cho các hộ vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo chất lượng giống phù hợp với độ mặn tại địa phương” - ông Hòa chia sẻ.

Sò huyết ở rừng ngập mặn xã Phước An. Ảnh:H.Lộc
Sò huyết ở rừng ngập mặn xã Phước An. Ảnh:H.Lộc

Anh Trương Văn Tuấn (ấp Bà Trường, xã Phước An) cho biết, trước đây anh chỉ có thể khai thác tôm, cua tự nhiên, cuộc sống khá bấp bênh. Hơn 5 năm nay, nhờ nuôi sò huyết dưới tán rừng, đồng thời kết hợp thả thêm tôm sú, cua biển nên thu nhập của anh khá hơn nhiều, trung bình lợi nhuận đạt đến 300 triệu đồng/năm. Cũng theo anh Tuấn, nuôi sò huyết phải nắm được quy trình sinh trưởng. Thời gian xuống giống tốt nhất khoảng tháng 9 âm lịch, khi mưa đã ngớt và độ mặn trong nước không quá cao. Trước khi thả sò phải đóng cọc, giăng lưới bao quanh bãi. Thông thường, 1 hécta người nuôi sẽ đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng tiền giống, sau 8 tháng sò đạt trọng lượng 70-100 con/kg, giá bán mỗi kg dao động từ 80-120 ngàn đồng/kg, lợi nhuận từ khoảng 100-120 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, người nuôi cần dành 1 tháng để phơi bãi, thời gian này nên mở lưới để bãi được thay lớp bùn mặt.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước An cho biết, so với các mô hình nuôi thủy sản khác, nuôi sò huyết có chi phí đầu tư thấp hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và quan trọng hơn là sò huyết sinh trưởng tốt trong môi trường có độ mặn cao, thích ứng với tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng. Tính đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 40 hộ nuôi sò huyết với diện tích khoảng 20 hécta, trong đó gần 30 hộ tham gia Câu lạc bộ nuôi sò huyết xã Phước An.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù có hơn 1,7 ngàn hécta diện tích mặt nước nhưng nhiều năm trước, xã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mô hình giúp người dân thoát nghèo trên vùng đất nhiễm mặn. Nhờ mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết mà nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu với lợi nhuận từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu và hướng đi mà trước đây nhiều người dân và chính quyền địa phương chưa nghĩ đến.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều