Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm đầu ra cho 'thủ phủ' thanh long

04:12, 18/12/2019

Với hơn 550 hécta thanh long, xã Xuân Hưng được xem là "thủ phủ" thanh long của huyện Xuân Lộc. Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của hàng trăm hộ dân.

Với hơn 550 hécta thanh long, xã Xuân Hưng được xem là “thủ phủ” thanh long của huyện Xuân Lộc. Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của hàng trăm hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Nga (phải), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng tham quan một vườn thanh long sản xuất theo quy trình sạch ở ấp 4. Ảnh: H.Lộc
Ông Nguyễn Văn Nga (phải), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng tham quan một vườn thanh long sản xuất theo quy trình sạch ở ấp 4. Ảnh: H.Lộc

Tuy nhiên, để cây thanh long ruột đỏ khẳng định được giá trị kinh tế, là cây trồng chủ lực, vấn đề đầu ra bền vững cho cây trồng này cần phải được tính toán sớm.

* Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Xã Xuân Hưng có địa hình trũng, thấp hơn so với các vùng khác của huyện Xuân Lộc. Trước năm 2010, lúa, tràm và điều là những loại cây trồng phổ biến đem lại lợi nhuận khoảng 20-30 triệu đồng/hécta/năm. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân đã mạnh dạn cải tạo đất, trồng thanh long ruột đỏ. Sau gần 10 năm, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng Phạm Thị Mai Phương cho rằng, thanh long ruột đỏ là cây trồng chủ lực ở địa phương. Cây thanh long cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho thanh long đang là bài toán khó của các ngành chức năng. Hiện giá thanh long ruột đỏ cao nhưng không ổn định.

Anh Thái Văn Nam (ấp 4) được xem là người tiên phong thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ trên đất lúa Xuân Hưng. Anh Nam cho biết, trước đây gia đình anh trồng lúa, tràm và một phần diện tích trồng điều. Trung bình mỗi năm anh thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/hécta. Năm 2010, anh trồng thử nghiệm 1 ngàn gốc thanh long, 18 tháng sau năng suất vụ đầu được gần 2 tấn trái, lợi nhuận hơn lúa. 3 năm sau, anh tăng lên 4 hécta và thời điểm hiện tại, anh Nam trồng được hơn 10 hécta, trở thành hộ có diện tích thanh long lớn nhất xã. Nhờ đi trước và không ngừng áp dụng công nghệ vào sản xuất, năng suất vườn thanh long của anh Nam vượt trội hơn so với các hộ khác, đạt 40 tấn/hécta/năm.

Theo tính toán của anh Nam, chi phí đầu tư cho 1 hécta thanh long trồng mới khoảng 500 triệu đồng, 18 tháng cho thu hoạch. Mỗi năm thanh long cho thu 10-12 vụ, năng suất đạt mức 30 tấn/hécta và với giá bán đạt trung bình 25 ngàn đồng/kg, người trồng cần khoảng 2,5 năm thu đủ vốn. “Tôi có hơn 10 hécta, trong đó 4 hécta đang cho thu hoạch. Với năng suất bình quân 40 tấn/hécta/năm, giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg, năm nay tôi lời hơn 4 tỷ đồng” - anh Nam phấn khởi cho biết.

Từ một hộ khó khăn, gia đình chị Sou A Tah (người Chăm, ấp 4) trở thành tỷ phú thanh long. Chị Tah phấn khởi cho biết, mình vừa hoàn thành đăng ký chứng nhận quy trình sản xuất sạch cho 10 hécta thanh long, trong đó có 7 hécta giống thanh long tím hồng, còn lại là ruột đỏ. Năm 2018, chị Tah thu lợi khoảng 3 tỷ đồng từ giống thanh long này.

Theo chia sẻ của chị Tah, hiện tại chị đang liên kết với những hộ trồng thanh long là người dân tộc Chăm thành lập tổ hợp tác thanh long hữu cơ. “Tôi đã hoàn thành thủ tục chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Tôi muốn liên kết nhiều hộ thành lập tổ hợp tác thanh long của người Chăm để thuận lợi hơn đầu ra” - chị Tah nói. Cũng theo chị Tah, quy trình sản xuất hữu cơ có chi phí phân bón, công chăm, thuốc trừ sâu cao hơn, tuy nhiên cây thanh long bền, cành dày, quả mọng đẹp và sức khỏe người trồng được đảm bảo.

* Chưa có đầu ra ổn định

Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, vài năm trở lại đây, diện tích cây thanh long ruột đỏ ở xã Xuân Hưng tăng nhanh, đạt 550 hécta. Thời điểm hiện tại, giá thanh long đạt hơn 40 ngàn đồng/kg nên người trồng khá phấn khởi. Tuy nhiên, vấn đề được người trồng thanh long ruột đỏ ở xã Xuân Hưng quan tâm và cần được tháo gỡ đó là giá cả và đầu ra của thanh long hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái tỉnh Bình Thuận.

Định hướng của xã Xuân Hưng là bố trí quỹ đất công cho hợp tác xã hoạt động và xây dựng nhà kho, vận động người dân chuyển sang sản xuất theo quy trình sạch. Cùng với đó, kiến nghị với huyện đưa cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con làm thanh long sạch, đưa bà con đi học tập kinh nghiệm một số nơi có mô hình hiệu quả và hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Ông Nguyễn Văn Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng cho biết, hiện tại đầu ra của thanh long tương đối ổn định, có hàng là thương lái ở Bình Thuận cho xe vào cắt, tuy nhiên, giá cả trồi sụt hằng ngày. Ông Nga chia sẻ, có lần, thương lái ra giá 35 ngàn đồng/kg ông không bán, ngày hôm sau phải năn nỉ họ vào cắt với giá 27 ngàn đồng/kg.

Ông Nga cho rằng, khi thiếu hàng, thương lái có thể mua tăng 5-7 ngàn đồng/kg so với hiện tại, nhưng khi đủ hàng xuất đi, thương lái có thể trả giá xuống 5-10 ngàn đồng/kg so với ngày hôm trước. “Thanh long ruột đỏ hiện được trồng nhiều ở miền Tây, duyên hải Nam Trung bộ, một số nơi ở Đông Nam bộ như Đồng Nai cũng trồng được thanh long. Trước đây, Trung Quốc nhập thanh long Việt Nam là chủ yếu nhưng nay họ đã trồng được thanh long và mở rộng nhập khẩu loại quả này từ các nước trong khu vực: Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia; các tiêu chí mã hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng dần được thị trường dễ tính này coi trọng... Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào thương lái thu mua xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch thì sẽ không bền vững” - ông Nga nói.

Cũng theo ông Nga, hiện tại có một số doanh nghiệp liên hệ với hợp tác xã đặt vấn đề cung cấp hàng, nhưng cản trở hiện nay là nông dân vẫn sản xuất theo quy trình cũ, sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, hợp tác xã chưa đầy đủ pháp lý hoạt động, không có kho bãi để đóng gói. “Chúng tôi sẽ vận động xã viên chuyển sang quy trình sản xuất sạch, sau đó làm thủ tục chứng nhận theo tiêu chí GAP (VietGAP, GlobalGAP) trên cây thanh long nhằm tạo nguồn hàng hóa an toàn, có truy xuất nguồn gốc, sau đó tìm đầu ra cho thanh long thông qua ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hoặc chế biến. Xác định còn gian nan nhưng chúng tôi quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho thanh long Xuân Hưng” - ông Nga nhận định.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều