Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nghị Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn

04:06, 18/06/2021

(ĐN) - Sáng ngày 18-6, Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì với sự tham gia của 63 tỉnh, thành.

(ĐN) - Sáng ngày 18-6, Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì với sự tham gia của 63 tỉnh, thành.

Tại điểm cầu Đồng Nai tổ chức ở Sở Thông tin-truyền thông tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ và ông Võ Hoàng Khai, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan cùng tham dự
Tại điểm cầu Đồng Nai tổ chức ở Sở Thông tin - truyền thông, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ,  Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Võ Hoàng Khai và đại diện các sở, ngành liên quan cùng tham dự

Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung như: Lúng túng không biết thực hiện chuyển đổi số từ đâu? Ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để thay đổi mô hình tăng trưởng; Làm thế nào để thông tin thị trường trở nên minh bạch; Những khó khăn, tồn tại như: chưa có dữ liệu lớn cho ngành; người nông dân chưa đủ kiến thức và kỹ năng số để ứng dụng…

Theo nhiều ý kiến tại hội nghị, chuyển đổi số trong nông nghiệp là nông dân sẽ dựa vào dữ liệu để phục vụ sản xuất, là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. 9 triệu hộ nông dân có thể kết nối với các doanh nghiệp chế biến, kết nối với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Từ đó, nông dân có thể tự so sánh giá cả nông sản ở nhiều nơi, chủ động hơn về giá bán và không còn nạn ép giá trong mua bán nông sản.

Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT, mục tiêu đặt ra trong phát triển kinh tế số trong nông nghiệp là ưu tiên triển khai các chương trình phục vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số trong ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big data) về nông nghiệp nhằm phát huy công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông - lâm -thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ 4.0 như: công nghệ không gian, GIS, viễn thám, Big data, AI, công nghệ thông tin trong dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp; dự báo, phân tích chính sách, thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần hỗ trợ nông nghiệp. Nghiên cứu mô hình nông nghiệp thông minh, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp…Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp...

Bộ NN-PTNT cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, từ trước đến nay, kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nói đến nhiều nhưng thực hiện vẫn rất nhạt nhòa. Đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào cánh đồng, nhà máy. Ngoài ra, sự "mù mờ" về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu, dẫn đến hệ quả phải giải cứu nông sản. Bộ NN-PTNT và Bộ Thông tin - truyền thông sẽ cùng phối hợp, bắt tay ngay vào chuyển đổi số để nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để ngày càng vươn xa hơn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều