Báo Đồng Nai điện tử
En

Các địa phương phải hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 trước ngày 5-5

04:04, 16/04/2021

(ĐN)- Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19...

(ĐN)- Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tới 700 điểm cầu trong toàn quốc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TB
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: TB)

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, mọi địa phương hiện nay đều có nguy cơ xảy ra dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh ở nước láng giềng Campuchia đang có những diễn biến rất phức tạp, vì vậy tất cả các tỉnh, thành cần phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là phòng dịch; tiếp tục tuyên truyền để tất cả người dân thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng chống dịch.

Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, Bộ Y tế đã phân bổ 811,2 ngàn liều vaccine do COVAX tài trợ đợt 2 về các tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương phải lập kế hoạch, đối tượng tiêm chủng ưu tiên theo đúng Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phải thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nhanh chóng, kết thúc trước ngày 5-5, không được phép để bất kỳ liều vaccine nào phải huỷ do không tổ chức tiêm. Địa phương nào không tổ chức tiêm, Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, đến nay Việt Nam đã tiêm vaccine AstraZeneca cho gần 75 ngàn người, trong đó chỉ có khoảng 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, sốt nhẹ. Tuy nhiên, những trường hợp này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Phản ứng nặng sau tiêm vaccine chỉ có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp. Tất cả các trường hợp này đều ổn định sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Không có bất kỳ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm vaccine.

Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai chặt chẽ, có tổ chức khám sàng lọc kỹ, chỉ định đối tượng hoãn tiêm rộng hơn, theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm và tiếp tục theo dõi 24 giờ với phương châm tiêm đến đâu, an toàn đến đó. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực điều trị để sẵn sàng trợ giúp địa phương trong trường hợp có ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine.

Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên mức rất cao, cao hơn so với yêu cầu. Tức là có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm… Do thời hạn sử dụng vaccine AstraZeneca do COVAX tài trợ chỉ đến 31-5-2021 nên Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm thật tốt, thật nhanh, không để vaccine hết hạn sử dụng.

Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân an tâm tham gia tiêm chủng đầy đủ.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều