Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

03:05, 28/05/2020

(ĐN) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 28-5, Quốc hội họp trực tuyến nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Xuân Thống chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.

 

(ĐN) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 28-5, Quốc hội họp trực tuyến nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Xuân Thống chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực để tập trung nguồn lực. 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Về quy mô, các dự án PPP phải có mức đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng, riêng các dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn thì phải có mức đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng…Báo cáo giải trình cũng đã làm rõ một số vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án PPP…

Tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung của dự án Luật PPP. Các vấn đề được tập trung chú ý là có áp dụng phương thức PPP với các dự án nhà máy điện hay không; quy định về quy mô các dự án; quy định về hoạt động kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư; có đưa các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT) vào luật PPP hay không…

Dự kiến, dự án Luật PPP sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18-6 tới.

Cũng trong phiên làm việc sáng 28-5, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, với tổng vốn thực hiện gần 272 ngàn tỷ đồng. Cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của Chương trình. Cơ quan này đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề cấp bách, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp khả thi, hiệu quả.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều