Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

04:05, 20/05/2019

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội vào sáng 20-5.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày một số báo cáo.

Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Kết quả một số chỉ tiêu trong mấy tháng đầu năm 2019 là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 6,79%. Khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, nổi bật là ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1/2019 tăng 8,8%; trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng mạnh.

Trong 4 tháng qua, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%; vốn thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Có trên 43 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 17 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức cao, thuộc nhóm các nước dẫn đầu khu vực, thế giới...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung, dài hạn. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.

Xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập. Tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Giá nhiều mặt hàng nông sản thế giới và trong nước giảm, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân...

Đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội. Việc sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông, tội phạm nghiêm trọng. Đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn khó khăn...

[Toàn văn Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội tại kỳ họp Quốc hội]

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Chính phủ kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh, năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% là mức cao nhất trong 11 năm gần đây, với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp cho năm 2019 nêu trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có việc kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn.

Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; tăng cường sự chủ động trong xử lý nợ xấu; triển khai quyết liệt,đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.

Chính phủ tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019.

Chính phủ tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” và điều ước quốc tế; sớm điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao...

Năm kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội.

Theo báo cáo, từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch đã phản ánh về 15 vấn đề thuộc một số lĩnh vực mà cử tri, nhân dân quan tâm và đã có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chính quyền các cấp. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, một số nội dung cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra 5 đề nghị, gồm: đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hợp tác xã kiểu mới trở thành những động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương đề ra giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích xã hội hóa việc xử lý rác thải; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, băng nhóm “xã hội đen." Các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ma túy, tội phạm.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành; các cơ quan tư pháp có văn bản hướng dẫn và thống nhất áp dụng pháp luật về một số hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy, dâm ô với trẻ em, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội để xử lý kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kết thúc Phiên khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều