Báo Đồng Nai điện tử
En

Phối hợp bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai

05:01, 06/01/2017

(ĐN) – Ngày 6-1, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chủ trì phiên họp lần 10, đánh giá việc triển khai đề án Bảo vệ môi trường trong lưu vực năm 2016.

(ĐN) – Ngày 6-1, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chủ trì phiên họp lần thứ 10, nhằm đánh giá các nhiệm vụ đã được thực hiện trong năm 2016 về triển khai đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường.

Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai chảy qua địa phận 11 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Nguồn nước của lưu vực sông có tầm quan trọng đối với các tỉnh, thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân của khu vực phía Nam.

Trong năm 2016, 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều chính sách, thực hiện nhiều đợt quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở hạ tầng bảo vệ nguồn nước, nên chất lượng nguồn nước dần được cải thiện. Kết quả quan trắc 5 đợt trong năm 2016 trên hệ thống sông Đồng Nai cho thấy chỉ số chất lượng nước đáp ứng mục đích sinh hoạt.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về điều kiện tự nhiên, thông tin thủy văn, thông tin khí tượng, hiện trạng môi trường, số liệu quan trắc đã được Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai thực hiện nhằm chia sẻ thông tin dữ liệu giữa 11 tỉnh, thành phố có lưu vực sông để phối hợp quản lý và xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành.

Hút cát lậu trên sông Đồng Nai.
Hút cát lậu vào ban đêm trên sông Đồng Nai (ảnh tư liệu)

Bên cạnh những kết quả trên, thì lưu vực sông Đồng Nai vẫn còn xảy ra nhiều vụ  ô nhiễm môi trường kéo dài, tình trạng khai thác cát trái phép và lợi dụng nạo vét, duy tu luồng để hút cát gây bức xúc trong dư luận. Một số điểm nóng ô nhiễm như: kênh Ba Bò, suối Linh, suối Săn Máu, sông Cần Giuộc tiến độ khắc phục còn chậm.

Đối với 138 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay đã có 37 cơ sở đã được chứng nhận hoàn thành không gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, còn lại 100 cơ sở chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm, trong đó có 70 cơ sở đã quá hạn xử lý. Ngoài ra, chất lượng nước sông Thị Vải tuy được cải thiện nhưng tốc độ đã chững lại và có dấu hiệu xấu đi. Một số điểm nóng ô nhiễm cục bộ phát sinh mới như: sông Chà Và, sông Buông.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Võ Tấn Nhân lưu ý, hoạt động của Ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong 10 phiên họp đã qua còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế tổ chức của Ủy ban, không có nguồn lực để triển khai các dự án hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đề nghị các địa phương xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu về nguồn nước thải trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để quản lý nguồn nước thải ra sông. Đồng thời, chú trọng các hoạt động liên vùng, liên tỉnh để bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.

                                                                          Thái Bình

   

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích