Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ người Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh…

06:07, 14/07/2016

Trong bài ký Con phố mang tên anh, cố nhà văn Hoàng Văn Bổn viết: "Trong rất nhiều lý do khiến anh không liên kết được cái tên Huỳnh Văn Lũy mang tên con phố anh ở cùng cái tên Huỳnh Văn Lũy nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, là do không một bài báo nào, một bài văn nào viết về ổng. Chẳng ai hiểu được ổng là ai? Cứ thế mà trơn tuột đi theo năm tháng…".

Trong bài ký Con phố mang tên anh, cố nhà văn Hoàng Văn Bổn viết: “Trong rất nhiều lý do khiến anh không liên kết được cái tên Huỳnh Văn Lũy mang tên con phố anh ở cùng cái tên Huỳnh Văn Lũy nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, là do không một bài báo nào, một bài văn nào viết về ổng. Chẳng ai hiểu được ổng là ai? Cứ thế mà trơn tuột đi theo năm tháng…”.

Bài ký này, nhà văn viết khoảng năm 2002. Đến nay sau 14 năm, vẫn có rất ít thông tin về đồng chí Huỳnh Văn Lũy, người có thể được xem là Chủ tịch đầu tiên của MTTQ Biên Hòa - Đồng Nai, với tên gọi là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa.

* Người Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh gắn bó với dân

Đồng chí Huỳnh Văn Lũy sinh ngày 1-5-1916 tại xã Mỹ Quới, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Xã Bạch Đằng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, có tinh thần cách mạng từ rất sớm. Ông nội đồng chí là Huỳnh Hữu Phụng, từng tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định. Tiếp nối truyền thống gia đình, quê hương, mới 19 tuổi đồng chí đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng với bí danh Dũng Tiến, hoạt động trong Mặt trận dân chủ Đông Dương. Ngày 17-2-1936, đồng chí Huỳnh Văn Lũy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí còn là người đứng ra thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Mỹ Quới.

Tháng 9-1936, thực hiện chủ trương của Đảng là phát triển phong trào, vận động cách mạng, các đồng chí: Nguyễn Văn Nghĩa, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại… và một số đồng chí khác trong chi bộ Bình Phước - Tân Triều (chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa) thống nhất thành lập Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa, do đồng chí Nguyễn Văn Nghỉa làm Chủ tịch. Ủy ban hành động các quận: Châu Thành, Xuân Lộc, Long Thành cũng được hình thành, tập hợp hàng ngàn quần chúng đủ các giới, các ngành tham gia. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy phụ trách khu vực Long Thành, đã cùng với các đồng chí trong Ủy ban hành động tổ chức nhiều cuộc mít tinh, đưa dân nguyện đòi giảm sưu thuế, đòi các quyền tự do, dân chủ.

21 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong đồng chí và đồng bào 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đồng chí là một trong những cán bộ chủ chốt, cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng vùng Đông Nam bộ và Chiến khu Đ. Đồng chí đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương ghi nhận, tôn vinh. Thành tích của đồng chí được ghi danh trong lịch sử, địa chí Đồng Nai Bình Dương. Tên đồng chí được đặt cho con đường gần bờ sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa), và trên mảnh đất Bạch Đằng nơi ông ngã xuống cũng có một ngôi trường mang tên đồng chí Huỳnh Văn Lũy. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy mãi là tấm gương cho các các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân Biên Hòa cùng với cả nước đã khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân phong kiến qua cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945. Thực dân Pháp sau đó quay lại tái chiếm Nam bộ, Biên Hòa cùng với nhân dân miền Nam bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 23-9-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa tổ chức ở nhà Hội xã Bình Trước (TP.Biên Hòa) do đồng chí Hà Huy Giáp đại diện Xứ ủy Nam kỳ chủ trì, đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh. Hội nghị cũng thống nhất thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Hồ Hòa làm Chủ nhiệm, đồng chí Huỳnh Văn Lũy là Phó chủ nhiệm phụ trách tổ chức Hội Nông dân cứu quốc, xây dựng Ủy ban Mặt trận Việt Minh các cấp để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, huy động sức người sức của cho kháng chiến. Sau hội nghị, đồng chí Hồ Hòa chuyển về hoạt động tại Bà Rịa và hy sinh vào đầu năm 1946, nên trong thực tế đồng chí Huỳnh Văn Lũy là người trực tiếp xây dựng và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa.

Tháng 7 năm 1947, hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần II được triệu tập tại Mỹ Lộc (Tân Uyên) nhằm kiểm điểm phong trào kháng chiến ở địa phương, bàn việc chỉ đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện ở giai đoạn tiếp theo. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Ký được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Huỳnh Văn Lũy được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng thời là Chủ nhiệm Mặt trận kháng chiến đầu tiên của tỉnh Biên Hòa.

Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, phong trào kháng chiến của nhân dân Biên Hòa từng bước được phát triển: tổ chức Liên đoàn cao su chống phá âm mưu bành trướng của thực dân, đồng bào dân tộc Chơro ở Lâm San (huyện Cẩm Mỹ hiện nay) được vận động tổ chức hỗ trợ bộ đội vượt Sông Ray, Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Vĩnh Cửu hỗ trợ bộ đội đánh giặc trừ gian. Đặc biệt là phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ. Đồng bào Chơro ấp Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu) không quên hình ảnh cán bộ Mặt trận về làng, học tiếng của đồng bào, dạy đồng bào con chữ và cách làm ăn, tập họp đồng bào dân tộc thiểu số thành khối đoàn kết dân tộc, các dân tộc S’tiêng, Mạ, Chơro, Chăm… đều là anh em. Già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch cho đến nay vẫn không quên hình ảnh của đồng chí Huỳnh Văn Lũy và khắc sâu trong lòng ấn tượng của người cán bộ Mặt trận năng nổ, hết lòng vì nước, vì dân.

Từ năm 1948 đến tháng 5-1951, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương sản xuất tự túc, đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất ở vùng căn cứ, chỉ đạo Ty Giáo dục Biên Hòa mở trường tiểu học ở chiến khu, tiếp tục cùng Đảng bộ tỉnh Biên Hòa xây dựng và củng cố các lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh toàn dân khắp các xã trong tỉnh, mở nhiều trận đánh lớn làm phá sản âm mưu của địch.

Tháng 2-1950, thực hiện Sắc lệnh “Tổng động viên nhân lực, vật lực” cho kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy lại bận rộn với việc huy động các lực lượng thuộc khối Mặt trận và động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến nhằm chiến thắng giặc Pháp và chống sự can thiệp của Mỹ. Tháng 10-1952, trong tỉnh xảy ra trận lụt lớn Nhâm Thìn, người dân nhiều nơi trong tỉnh nhất là vùng Chiến khu Đ bị thiếu đói, dịch bệnh. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã chỉ đạo tổ chức cho nông dân bám đất, khắc phục hậu quả, phục hồi canh tác, đẩy mạnh tăng gia, phát triển sản xuất nhằm đảm bảo cho các gia đình nông dân đủ ăn và có thể đóng thuế nuôi quân. Bên cạnh đó, đồng chí còn động viên hội thanh niên cứu quốc, đưa hội viên tòng quân phục vụ các trận đánh chia lửa, hưởng ứng các chiến dịch trên chiến trường Việt Bắc.

Trong suốt giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã cùng với quân dân Biên Hòa, Thủ Biên (sáp nhập Biên Hòa và Thủ Dầu Một) đoàn kết một lòng, vận động quần chúng nhân dân và các đoàn thể cứu quốc đóng góp sức người, sức của chiến đấu bảo vệ Chiến khu Đ, vận động tín đồ Phật giáo tham gia Mặt trận Việt Minh, lập quỹ cứu quốc ủng hộ kháng chiến đánh đuổi thực dân, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ ngày càng vững mạnh. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo, vẫn giữ vững khí tiết người Cộng sản.

* Có cái chết hóa thành bất tử

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết. Thực hiện hiệp định, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương vừa tổ chức chuyển quân tập kết, vừa thu xếp lực lượng cán bộ trung kiên ở lại bám dân hoạt động. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy nằm trong đội hình ở lại, tiếp tục bám dân để xây dựng, củng cố phong trào cách mạng. Tháng 10-1954 Xứ ủy Nam bộ được thành lập. Cũng thời gian này, Liên Tỉnh ủy miền Đông ra đời. Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ và Liên tỉnh ủy miền Đông quyết định lập lại 2 tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một cho phù hợp tình hình mới. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy được giao nhiệm vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa. Đầu năm 1956, Tỉnh ủy Biên Hòa được kiện toàn, đồng chí Hoàng Tam Kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Văn Lũy tiếp tục làm Phó bí thư Tỉnh ủy cùng đồng chí Ngô Bá Cao.

  Sau Hiệp định Geneve, trong khi phần lớn cán bộ kháng chiến trước đây đều đi tập kết, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, càn quét, thực hiện nhiều âm mưu thâm độc để dàn áp, dập tắt phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, tình hình rất khó khăn, nhiệm vụ của những cán bộ kháng chiến ở lại càng nặng nề.

Ngày 22-7-1956, đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Huỳnh Văn Lũy bị giặc phục kích, hy sinh tại cù lao Mỹ Quới (Tân Uyên) ở tuổi vừa tròn 40. Bút ký của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn viết về trường hợp hy sinh của đồng chí Huỳnh Văn Lũy như sau:

“Tối hôm đó, ông già tôi có bảo: “Tụi bây coi nhà. Tao lên xóm trên, có việc. Tôi lo lắng hỏi dò: “Việc gì? Chừng nào cha về, để con chờ?”. Ông già thì thầm vào tai tôi: “mấy ông lão đồng chí xã mình than thở từ ngày các đồng chí lãnh đạo đi tập kết hết, có nhiều chuyện buồn, chẳng biết hỏi ai? Chẳng có ai để tâm sự… Vậy đó, hôm nay có mời anh Tư cấp tỉnh về tâm sự với các ông ấy một đêm… Nhớ, buồn quá”. Sau đó, tôi biết thêm đêm ấy, các ông già lão đồng chí có tổ chức thịt cầy đãi anh Tư. Nhưng anh Tư không ăn thịt cầy, chỉ chuyện trò, kể tình hình đấu tranh khắp nơi, kể cả âm mưu thâm độc của Diệm chống Hiệp định Geneve, chống Tổng tuyển cửu hiệp thương thống nhất nước nhà theo quy định của hiệp định…

Sáng sớm hôm đó, ông Tư bằng ruộng trở lại ấp Điều Hòa là nhà ông, có cơ sở hầm bí mật. Khi ông Tư bằng ngang cánh ruộng trống, bỗng có lính tuần đòi xét giấy. Biết nguy hiểm, ông Tư lách người định móc giấy trong túi, nhưng ông vùng chạy. mấy ngày ấy, tôi thấy người ông Tư xanh xao, gầy gò quá. Có lẽ ông đang bệnh gì đó. Thấy ông vùng chạy giữa cánh đồng, chúng bắn theo. Ông bị thương ở bả vai. Một thằng trên cây cao đặt súng máy bắn xuống. Ông Tư ngã xuống bờ ruộng. Chúng tràn đến. Ông Tư bảo: “Tao là Út Thôi, Việt Cộng cấp lãnh đạo vẫn còn đây, tụi bây cứ bắn tao đi để lãnh thưởng. Rồi ông tắt thở…”

Không chỉ đồng chí Huỳnh Văn Lũy, mà dòng họ Huỳnh của đồng chí ở xã Bạch Đằng cũng có nhiều đóng góp, hy sinh cho cách mạng. Mẹ ruột đồng chí là bà Võ Thị Ngô, mẹ vợ của đồng chí là bà Đồng Thị Hảo, vợ của đồng chí là bà Nguyễn Thị Du đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh ruột đồng chí Huỳnh Văn Lũy là Huỳnh Văn Ngôn cũng là liệt sĩ, hy sinh năm 1946; con ruột của đồng chí là Huỳnh Văn Công là liệt sĩ hy sinh năm 1964 trong trận đánh vào Chi khu Tân Uyên.

Sau ngày đất nước hòa bình, các con, cháu dòng họ Huỳnh của đồng chí Huỳnh Văn Lũy tiếp nối truyền thống gia đình, đóng góp, cống hiến cho quê hương. Không chỉ giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ con cháu, dòng họ Huỳnh tại xã Bạch Đằng còn xây dựng Quỹ học bổng Huỳnh Văn Lũy. Hơn 20 năm nay, hàng ngàn phần quà, suất học bổng đã được trao cho học sinh nghèo hiếu học, học sinh giỏi các trường ở Tân Uyên, như: THPT Huỳnh Văn Nghệ, THCS Huỳnh Văn Lũy, THCS Lê Thị Trung... Các thành viên trong gia đình cũng đóng góp, vận động bạn bè hỗ trợ thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn ở xã Bạch Đằng.

H.V.T

 

Tin xem nhiều