Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng xét xử, tránh xảy ra oan sai

03:03, 13/03/2015

(ĐN)- Ngày 13-3, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã điều hành phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình...

(ĐN)- Ngày 13-3, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã điều hành phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu Quốc hội Đồng Nai tham dự phiên họp trực tuyến.
Các đại biểu Quốc hội Đồng Nai tham dự phiên họp trực tuyến.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong 5 vụ án các đại biểu tham gia chất vấn, được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, đến nay mới có vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang được kết luận oan sai, còn 4 vụ án khác đang được các cơ quan chức năng kiểm tra xem xét thận trọng để xử lý. Các vụ án này chủ yếu là các vụ án cũ, kéo dài từ nhiệm kỳ Quốc hội trước. Ngoài nguyên nhân do năng lực hạn chế của một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân, việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới Hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Một số trường hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện; trong khi đó, việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết vai trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong giải quyết vụ án.

Riêng trong 3 năm, từ năm 2012 đến năm 2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận thụ lý, xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, đến chung thân, tử hình. Trong đó, đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp. Kết quả, có 21 trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị; đồng thời cũng kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm căn cứ xác định, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với 11 trường hợp còn lại, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định pháp luật.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, có một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện, đó là: đẩy mạnh triệt để nguyên tắc tranh tụng trong xét xử để các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, trên cơ sở đó tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật công vụ, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của thẩm phán và hội thẩm nhân dân đối với những sai sót do lỗi chủ quan; tăng cường công tác giám đốc việc xét xử của tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới, kịp thời phát hiện để uốn nắn, rút kinh nghiệm những sai sót trong xét xử.  

Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều