Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu binh Hải quân phản đối hành động của Trung Quốc

10:05, 09/05/2014

Việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 xuống đặt và tiến hành thăm dò tại vùng biển Thềm lục địa của Việt Nam đang gây bất bình trong dư luận xã hội, trong đó có các cựu chiến binh Hải quân...

Việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 xuống đặt và tiến hành thăm dò tại vùng biển Thềm lục địa của Việt Nam đang gây bất bình trong dư luận xã hội, trong đó có các cựu chiến binh Hải quân. Một số cựu chiến binh mà chúng tôi gặp đều một lòng phản đối hành động dã tâm của Trung quốc...

Cựu binh Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân
Cựu binh Nguyễn Viết Chức

* Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-07, Lữ đoàn 171 Hải quân: Đó là hành động cướp biển trắng trợn...

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ngang ngược cắm xuống vùng biển Việt Nam là hành động cướp biển trắng trợn. Không phải bây giờ Trung quốc mới làm việc này, mà họ đã có dã tâm từ trước. Trung Quốc đưa giàn khoan xuống đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam nhằm từng bước “gặm nhấm”, thực hiện “địa chính trị”. Trung Quốc muốn làm “việc đã rồi” như trước đây, trước khi ngồi vào đàm phán COC với các nước.

* Thượng tá Hoàng Văn Thể, Thuyền trưởng tàu HQ-11, Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân: Trung quốc trỗi dậy mưu kế “đường lưỡi bò” ...

Hành động cố tình vi phạm, đi ngược lại công ước Liên hợp quốc về quy tắc ứng xử DOC của Trung quốc là không thể chấp nhận được. Tất cả các động thái, từ vụ kéo tàu giàn khoan “khủng”, đưa tàu chế biến hải sản ra biển Đông, đưa các tàu hải giám xuống diễn tập - kiểm tra - kiểm soát, cắt cáp tàu Viking 02 của ta..., đến việc công bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đưa ra quyết định mời thầu quốc tế cho 9 lô dầu khí nằm trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và bây giờ là đặt giàn khoan..., là một chuỗi các hoạt động, các bước đi có tính toán trong chiến lược tiến ra biển, nhằm thực hiện độc chiếm biển Đông trong phạm vi đường biên giới lưỡi bò mà Trung Quốc đã đưa ra từ lâu. Ở góc độ quan hệ ngoại giao, Chính phủ Trung quốc vẫn “bắt tay”  cùng Việt Nam thỏa thuận về vấn đề biển Đông, nhưng sau lưng lại ngấm ngầm hoạt động- một hành động không thể chấp nhận.

* Trung tá Trần Xuân Vọng, Cựu binh tàu 661: Bằng mọi cách, phải đuổi giàn khoan Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam...

 Tàu trung quốc xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam, ảnh Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, cần thiết phải tập trung lực lượng, trong đó có cả việc đưa Bộ đội Hải quân xuống can thiệp. Chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm, không thể nhượng bộ, cũng không thể để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Nhìn lại các sự kiện: năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma và một số bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; ngày 17-2-1979, Trung Quốc kéo quân hòng chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc, và trước đó là sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam..., là những bài học để chúng ta bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Bằng mọi cách phải đuổi giàn khoan của Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam.

 Cựu binh Ngô Ngọc Tuệ, nguyên chiến sĩ Hạm đội 171 Hải quân
Cựu binh Ngô Ngọc Tuệ

* Cựu binh Ngô Ngọc Tuệ, nguyên chiến sĩ Hạm đội 171 Hải quân: Trung Quốc luôn hành động ngược lại cam kết, bội ước với Asean...

Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đang đóng và hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhìn ở góc độ luật pháp quốc tế về đường biển, ta có thể khẳng định hai vấn đề:

Thứ nhất, phải khẳng định đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền hợp pháp của Nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại với điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói, tuyên bố, cam kết với lãnh đạo Nhà nước Việt Nam rằng: “Sẽ không làm gì phức tạp thêm tình hình tại biển Đông”. Nay, chính họ đi ngược lại lời nói của họ. Hay nói cách khác, lãnh đạo Trung Quốc đã không thực hiện đúng như những gì họ đã cam kết với các nước ngoài, hành xử theo kiểu nói một đằng làm một nẻo và làm ngược lại với những điều đã cam kết.  Tôi nhớ, cuối năm 2013, tại Hội nghị các nước Asean 10 + 1, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng: “Trung Quốc với các nước Asean là cùng chung vận mệnh, sướng khổ cùng nhau”..., nhưng khi họ làm những điều này là bội ước với cả khối Asean.

Mai Thắng (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều