Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng đến quy hoạch vùng kinh tế trong quản lý đầu tư công

07:05, 24/05/2014

(ĐN)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, chiều ngày 24-5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đầu tư công.

(ĐN)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, chiều ngày 24-5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đầu tư công. Trong đó, phần lớn các ý kiến của đại biểu tập trung về khái niệm của dự thảo luật; tiêu chí phân loại dự án đầu tư công và điều chỉnh phân loại dự án đầu tư công; phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; các nội dung về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư của cộng đồng trong đầu tư công.

ĐBQH Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai)  phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đức Nhuận
ĐBQH Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đức Nhuận

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, khi thông qua luật Đầu tư công lần này, chúng ta phải tạo được bước đột phá về thể chế, về tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, phải gắn kết đồng bộ với hệ thống các luật khác. Bên cạnh đó, cần phân định rõ thẩm quyền, gắn với trách nhiệm cá nhân của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, nhằm khắc phục có hiệu quả những yếu kém, hạn chế trong quản lý nhà nước về đầu tư công từ chủ trương đầu tư đến chuẩn bị đầu tư và phân bổ nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư dàn trãi, lãng phí, kém hiệu quả.

Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, cần làm rõ khái niệm hiệu quả đầu tư công, đây là cơ sở đánh giá quan trọng để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong đầu tư công. Hiệu quả đầu tư công phải được xác định trong mối quan hệ tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường. Trong quản lý đầu tư công, phải quy định rõ yếu tố quy hoạch vùng kinh tế là căn cứ quan trọng để quyết định các vấn đề liên quan đầu tư công.

Trong dự án luật, cần thể hiện tính gắn kết, nhất quán giữa thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan bộ ngành trung ương (giữa Chương 2 và Chương 5) để xử lý vi phạm khi quyết định chủ trương đầu tư công sai, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát, lãng phí. Cần có chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến tư vấn thiết kế, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án  công trình đầu tư công.

Về điều khoản thi hành, theo đại biểu Trương Văn Vở, quy định trong dự án luật cần phải dẫn chiếu cụ thể các Luật khác như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng..., để tạo tính đồng bộ, thống nhất, nhằm điều chỉnh nhất quán và có hiệu quả các hành vi liên quan hoạt động đầu tư công.

Đức Nhuận (từ Hà Nội)

                         

 

 

 

Tin xem nhiều