Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải xem nâng trần bội chi như một dự án cần được đánh giá kỹ...

01:11, 01/11/2013

Đó là ý kiến phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) tại phiên thảo luận diễn ra vào sáng ngày 1-11 tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Đó là ý kiến phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) tại phiên thảo luận diễn ra sáng 1-11 tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc

Là người có ý kiến cuối cùng tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc đã làm rõ thêm về trách nhiệm và nêu lên những lo ngại về việc Chính phủ trình xin bổ sung các nguồn vốn từ nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu...

* Chi sai, Quốc hội không vô can

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, bội chi, phát hành trái phiếu và một số giải pháp nữa liên quan đến tăng nguồn tiền chỉ được trình bày trong vài dòng của báo cáo Chính phủ, điều này thiếu thỏa đáng. Đây được coi là dấu ấn, vì lần đầu tiên Chính phủ đề xuất điều này và có thể thành tiền lệ.

Theo ông, Quốc hội quản lý ngân sách, quyết định các khoản thu chi đặc biệt, Chính phủ chỉ là người được giao, do đó hiệu quả sử dụng ngân sách thuộc về Quốc hội.

“Chúng ta dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội tỏ ra vô can. Điều này là sai. Phải coi đề nghị của Chính phủ như 1 dự án phải được thể hiện chi li thông qua các con số tuyệt đối. Cũng cần làm rõ tính khả thu và cơ sở khoa học. Số người am hiểu kinh tế trong các đại biểu không nhiều, vì thế để quyết định là không đơn giản” – ông Dương Trung Quốc nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải trình tại kỳ họp
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải trình tại kỳ họp

* Hóa giải nợ xấu

Trong khi đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục là một đề tại nóng. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất: “Ngân hàng nào không đủ sức tồn tại thì mạnh dạn xóa bỏ, cũng không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ, hay xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)”. Theo ông Đồng, đây là cách làm “tình thế và khiên cưỡng" hiện nay, bởi sẽ tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu. Theo nhiều ĐB, nợ xấu đang hiện diện khắp nơi, giữa DN và DN, DN và ngân hàng, DN và nhà nước… và cần có cái nhìn xác thực để có những quyết sách đúng, không nên né tránh sự thật hay làm đẹp các con số.

Trong phần giải trình trước Quốc hội vào sáng 1-11, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Chúng tôi xác định cần phát huy nội lực của bản thân các ngân hàng vì ngân sách eo hẹp nên không thể sử dụng cách của các nước phát triển thường sử dụng”. Ông Bình giải thích, NHNN đã và đang cơ cấu các khoản nợ. Hiện 300 ngàn tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại (10% tổng dư nợ). Bên cạnh đó là xử lý nợ thông qua trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Năm 2012 xử lý được 70 ngàn tỷ, 9 tháng đầu năm nay thêm 32 ngàn và dự kiến hết năm thêm 70 ngàn tỷ nữa.

Hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được 10 ngàn tỷ đồng nợ xấu. “VAMC không sử dụng tiền ngân sách. Khi mua lại các khoản nợ xấu xong thì cơ cấu lại, cả về LS, cơ cấu về tính chất của nguồn vốn, thời hạn cho vay…” – Thống đốc Bình giải trình thêm. Theo đó, VAMC phấn đấu trong năm nay mua 30-35 ngàn tỷ nợ xấu, năm 2014 là 100-150 ngàn tỷ. Khi có thị trường mua bán nợ xấu tập trung thì thị trường sẽ hoạt động tốt hơn, tạo thị trường mua bán nợ tập trung cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Kim Ngân

Tin xem nhiều