Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm rõ chất lượng đội ngũ công chức, viên chức

07:11, 21/11/2013

Đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào ngày 20-11, Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều câu hỏi "nóng"...

Đăng đàn trả lời chất vấn ngày 20-11, Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến các vấn đề nóng như: tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách chế độ công chức công vụ; chính sách tiền lương, phụ cấp; việc đào tạo, sử dụng và bố trí công tác đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn

* 30% cán bộ, công chức không làm được việc?

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: có hay không việc 30% cán bộ, công chức không làm được việc. Trong khi ngân sách Nhà nước hết sức eo hẹp thì mức chi cho các đối tượng này không nhỏ, đang là gánh nặng lên ngân sách.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu rõ nếu là 30% sẽ tương đương 700.000 cán bộ công chức “ngồi không” và số chi một năm là 17.000 tỷ đồng, nếu giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng. Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ sự hoài nghi về con số này và chất vấn về nguyên nhân, giải pháp cũng trách nhiệm của Bộ trưởng.

Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định: con số 30% không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà Phó Thủ tướng chỉ dẫn ý kiến dư luận tại cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ năm 2012.

Theo Bộ trưởng, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phải có các biện pháp toàn diện, đồng bộ. Về phía Chính phủ, đã ban hành Nghị quyết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có những nội dung có liên quan đến tổ chức bộ máy, đến đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015.

Đối với các bộ, ngành, các địa phương, theo Bộ trưởng, cần thực hiện một số giải pháp như: tinh gọn bộ máy, tập trung mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Để đảm bảo chính xác, cần phải hoàn thiện, bổ sung tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Trên cơ sở đó, thực hiện từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong từng cơ quan đơn vị.

* Không tăng biên chế đến năm 2016

Chất vấn về vấn đề giảm đầu mối bộ, ngành, nhưng “phình” số đơn vị trực thuộc và biên chế, nhiều đại biểu băn khoăn việc việc thành lập cục, tổng cục có phát huy hiệu quả hay làm bộ máy thêm cồng kềnh; việc tinh giản biên chế được đặt ra như thế nào?

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, số biên chế công chức của năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%. Số viên chức năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59% . Số tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, thuộc các lĩnh vực về môi trường, đất đai, biển và hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, kế hoạch hóa gia đình và tăng ở một số địa phương được chia tách theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Bộ trưởng khẳng định trước mắt, từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức, trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.

Bộ trưởng cũng cho biết, cùng với việc xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 132 để có thể giải quyết trước mắt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

*Đổi mới nội dung tuyển dụng công chức, viên chức

Nhìn nhận một trong những hạn chế trong việc tuyển dụng là vẫn chú trọng đến bằng cấp, các nội dung thi tuyển chưa phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến thực lực của người được tuyển dụng, tình trạng bằng giả, học giả còn diễn ra, vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, nội dung thi tuyển đang được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu chuyên đề. Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới cách thi tuyển công chức, với 4 môn, 5 bài thi, có 3 bài thi được thực hiện trên máy vi tính đó là tin học, ngoại ngữ, trách nhiệm về chuyên môn, 2 bài thi viết.

Đề án này đã được thí điểm ở Bộ Nội vụ, một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ Nội vụ đang tiếp tục bổ sung ngân hàng đề thi, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến trên máy vi tính, đảm bảo công tác tổ chức thi chuyên nghiệp hơn, tăng cường trật tự, kỷ luật, kỷ cương, đạt chất lượng tốt.

*Đảm bảo mục tiêu đào tạo và tuyển dụng người dân tộc thiểu số

[links(left)]Trước những băn khoăn của các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về việc đào tạo nguồn lực và sử dụng đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số mang tính toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Liên quan đến chính sách, chế độ xét tuyển, cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: qua làm việc, các địa phương phản ánh thực trạng các cháu được cử tuyển khi học xong ra trường không tìm được việc làm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, hướng dẫn để bố trí việc làm cho các đối tượng được xét tuyển, cử tuyển là con em dân tộc thiểu số thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn chính quyền địa phương các cấp quan tâm xét tuyển, cử tuyển, theo dõi các cháu trong quá trình học tập và cả khi ra trường để bố trí công việc phù hợp.

Làm rõ thêm các chế độ ưu tiên tuyển dụng học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh cùng cha mẹ sinh sống ở vùng dân tộc miền núi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, không chỉ ưu tiên cử tuyển theo địa chỉ cho các xã đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT sau khi trao đổi với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ, căn cứ các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội đã có chính sách cử tuyển, dự bị Đại học, tuyển thẳng học sinh của 125 huyện nghèo, bao gồm 62 huyện 30a, 20 huyện biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam bộ, 20 huyện nghèo khu vực Tây Nguyên, 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao trên phạm vi cả nước.

PV (Tổng hợp)

Tin xem nhiều